Bỏ trường

Bỏ trường
TP - Câu chuyện một người cha ở Tân Bình (TPHCM) quyết định cho hai cậu con trai bỏ hẳn việc học ở trường để tự dạy dỗ ở nhà rộ trên báo chí, mạng xã hội mấy ngày qua, đến giờ vẫn chưa lắng xuống. Rồi lại xuất hiện thêm một ông bố ở Hà Nội từ mấy năm nay cho 3 đứa con ở nhà để tự dạy theo mô hình homeschooling (học ở nhà).

Dẫu chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng đủ trở thành một phản đề đối với nền giáo dục còn bề bộn trăm mối hiện thời.

Một phản đề đầy kích thích, tiếp tục kích hoạt cơn sốt ruột của các bậc cha mẹ và các nhà làm giáo dục. Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “hai trong một” lại với những cải tiến mới buộc học sinh phải thích ứng trong thời gian ngắn nhất. Còn hiệu quả vẫn như một ẩn số treo ở phía trước. Khi kỳ thi vào lớp 10 năm nay tỉ lệ chọi vào các trường công lập tiếp tục tăng mạnh, nhất là ở những thành phố lớn. Rồi áp lực điểm số, bài vở, học thêm khiến con trẻ đờ đẫn.

Nhưng không chỉ vậy. Nỗi lo còn là biết bao vấn nạn hiểm nguy rập rình xung quanh cổng trường học. Khi không có ranh giới an toàn nào ngăn được sự xâm lấn của phức tạp, nhiễu nhương tiêu cực của đời sống, dù trong khuôn viên môi trường giáo dục. Bỏ trường để học tại gia là một phản ứng phòng vệ phản ánh đầy đủ hai mặt của vấn đề.

Con người, nhất là những đứa trẻ mới bước vào đời có thể lánh xa, rời bỏ xã hội hiện đại đầy thực dụng và nhiều điều xấu xa để làm người tốt-hoàn-hảo được không? Câu hỏi này khiến nhớ đến bộ phim Mỹ đầy ấn tượng sản xuất năm 2016 mang tên Captain Fantastic (được dịch là “Đội trưởng tuyệt vời”). “Đội trưởng” ấy chính là người cha lập dị, đã tha cả đàn con gồm 6 đứa lớn nhỏ, gái trai của mình vào rừng sống theo kiểu nguyên thủy không điện thoại, internet. Những đứa trẻ ấy không chỉ được ông bố truyền dạy cho cả kho kiến thức từ khoa học, triết học, chính trị, văn học, ngoại ngữ, đàn hát, mà còn cả kỹ năng sinh tồn, từ đánh lửa bằng đá cuội đến săn thú… Cách dạy lập dị hiệu quả tới mức cậu con trai đầu thạo 6 ngoại ngữ, và chỉ với những cú email “vụng trộm” gửi bài thi ra ngoài mà được hàng chục đại học danh tiếng nhất nước Mỹ mời học! 

Để rồi cuối cùng chính chàng thanh niên ấy giận dữ thốt lên: “Chính bố đã làm tụi con thành những đứa quái đản. Ngoài sách vở ra thì tất cả những thứ ngoài cuộc sống con chẳng biết gì hết”. Cuộc hành hương trở về với cuộc sống hiện đại của những đứa trẻ ấy như một tất yếu.

Một tất yếu, như con người không thể đào thoát ra khỏi loài người. Mà chỉ có thể sống chung, trang bị cho mình một cơ chế chọn lọc, phản biện và đấu tranh đủ mạnh để tồn tại. Cũng như một nền giáo dục, không thể nào tồn tại như một nỗi thắc thỏm, âu lo của xã hội. 

Hội chứng mang tên “bỏ trường học ở nhà” hẳn sẽ khó xảy ra. Nhưng đã cho thấy cái “ngưỡng” đáng giật mình.

MỚI - NÓNG