Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Xử lý nghiêm các cơ sở lạm thu

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
TPO - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu.  

Còn bệnh thành tích

Tại kỳ hop thứ 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đã chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về những giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém trong ngành giáo dục.

Đại biểu Thái nêu vấn đề: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận trước Quốc hội, rằng ngành giáo dục hiện nay còn rất nhiều yếu kém. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những yếu kém đó là gì? Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn né tránh những hạn chế, yếu kém, nhất là việc hoạch định chiến lược giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

“Nghị quyết đã ra đời cách đây hơn 5 năm mà ngành giáo dục vẫn chưa có hướng đi một cách căn cơ như nhiều đại biểu đã phát biểu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn bản để khắc phục những yếu kém mà Bộ trưởng đã nhận, đồng nghĩa với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 29?”, ông Thái nêu.

Trả lời chất vấn bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành Giáo dục đã tập trung triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện, đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học.

Theo Bộ trưởng Nhạ, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có một số tồn tại hạn chế cần khắc phục như: Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn tình trạng “lạm thu” trong một số nhà trường; còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường xảy ra ở một số cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường, số lượng cơ sở đào tạo được tự chủ toàn diện chưa cao; sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.

Thực hiện nghiêm việc thu chi

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ GD&DT đã và đang hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung hoàn thiện 2 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các “nút thắt” trong thực hiện đổi mới GD&ĐT.

Bộ cũng phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu. Tăng cường thông tin cho cha mẹ, ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên về các khoản thu theo quy định để các bậc phụ huynh hiểu rõ, thực hiện theo đúng quy định và không bị “lợi dụng”. Bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu chi theo đúng quy định.

Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục nhằm khuyến khích các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho giáo dục bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa.

Giải pháp khác cũng được ngành giáo dục đề ra là chỉ đạo các địa phương tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện nghiêm túc quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".