> 'Tôi cũng rất xót xa' trước sai phạm tại Vinalines
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14 - 6. |
Sáng nay, trong phiên chất vấn Quốc hội, nhiều đại biểu truy Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về tình trạng độc quyền trong giá điện, xăng dầu.
Đến 2022, điện hết độc quyền
Theo bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, điện và xăng dầu là ngành hết sức quan trọng, có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay chúng ta có tập đoàn điện lực Việt Nam là đơn vị duy nhất trong việc truyền tải và phân phối điện, còn việc phát điện thì ngoài tập đoàn điện lực Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khác như tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than khoáng sản, tập đoàn Sông Đà …
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng như hiện nay (độc quyền phân phối, bán điện – PV) sẽ dẫn đến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế động lực phát triển ngành điện và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Theo lộ trình, đến năm 2022, sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Từ đó, theo Bộ trưởng Hoàng, Chính phủ đã xây dựng lộ trình phát triển, tiến tới xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp. Theo lộ trình này, từ ngày 1 – 7 tới, sẽ tiến hành việc phát điện cạnh tranh.
“Các nhà máy điện, không phân biệt của tập đoàn điện lực Việt Nam hay của các ngành khác đều được tự do chào giá đối với Trung tâm điều độ điện quốc gia và căn cứ vào mức chào giá đó, trung tâm xác định lựa chọn nhà máy nào đáp ứng được yêu cầu phát điện” – Bộ trưởng Hoàng cho biết.
Theo Bộ trưởng Hoàng, đến năm 2014, tiến hành thực hiện triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh đi liền với thị trường phát điện cạnh tranh, và đến năm 2022 sẽ thực hiện việc bán lẻ điện cạnh tranh.
Giải thích về việc lộ trình này kéo dài từ năm 2004 đến 2022, từng bước đi phải thận trọng, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, cần có thời gian để vừa làm, vừa hoàn chỉnh.
“Điện là một mặt hàng đặc biệt, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội cho nên bất cứ một sự thay đổi nào, nó ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì chúng ta phải có giải pháp để khắc phục” – Ông Hoàng nói.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, còn rất băn khoăn, khi lộ trình này quá dài, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ông Hùng thẳng thắn cho rằng, Bộ chưa tích cực. “Chúng tôi theo dõi, không biết tại sao trong dự thảo Luật điện lực vừa mới trình Quốc hội, chưa thấy một ý tưởng nào, một thiết chế pháp luật nào mở đường cho việc xóa bỏ độc quyền của ngành điện mà hầu như chỉ thấy chú ý đến việc quy hoạch lưới điện và giá điện”.
Ông Hùng cũng đặt vấn đề, trước đây, ngành Bưu chính Viễn thông cũng được coi là ngành có vị trí quan trọng, độc quyền. Tuy nhiên, chúng ta đã xóa bỏ độc quyền ở ngành này và phát triển ổn định, đem lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế xã hội.
“Thưa Bộ trưởng, tôi nhận thấy, Bộ trưởng cũng phải có trách nhiệm cao hơn nữa trước dân và phải rút ngắn lộ trình này, và càng rút ngắn được thì càng tốt. Tôi có đủ cơ sở và niềm tin là Bộ trưởng sẽ làm được việc này, phải chăng ở đây là thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết cũng như trách nhiệm với nhân dân” – Ông Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sẽ tiếp thu ý kiến, đồng thời sẽ cố gắng nghiên cứu, rút ngắn lộ trình: “Trách nhiệm thì chúng tôi đã nhận, và xin hứa trước Quốc hội sẽ làm hết khả năng, trách nhiệm của mình”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, việc có rút ngắn được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện.
“Câu chuyện về thị trường điện, điều chỉnh giá điện, nghe thì đơn giản nhưng mỗi một lần tính toán để đi theo lộ trình đó thì sự phản ứng của dư luận cũng rất khác nhau. Chính vì thế, Chính phủ yêu cầu chúng tôi, phải rất thận trọng” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm
Trao đổi về vấn đề xăng dầu được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trước đây, hầu như chỉ có tập đoàn, tổng công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex và một số đơn vị như xăng dầu quân đội, xăng dầu dầu khí… cung cấp xăng dầu cho đất nước. Hiện nay, chúng ta đã có tới 12 đầu mối cung cấp và phân phối xăng dầu, trong đó có cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đáp ứng được cơ bản nhu cầu của đời sống của nhân dân, các hoạt động sản xuất…
Ảnh minh họa. |
Nói về việc độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng cho biết, điều này có nguyên nhân từ lịch sử: “Vai trò của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex được hình thành từ nhiều năm nay, cho nên trên thực tế thị phần của tổng công ty có thể dao động khoảng 60% và vẫn là chủ lực trong việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu của đất nước.” – Ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng cho biết, hiện tại đang thực hiện theo nghị định 84, đa dạng hóa nguồn cung cấp xăng dầu đã được thực hiện bước đầu: “Nếu chúng ta tiếp tục kiên trì thực hiện nghị định 84, thì xăng dầu sẽ là thị trường vận hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của nhà nước."
Cũng theo ông Hoàng, trong lĩnh vực xăng dầu, chúng ta chưa cho phép người nước ngoài tham gia.
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc giá xăng trong nước tăng kịp thời và tăng rất nhiều theo diễn biến của xăng dầu thế giới, nhưng khi giảm thì lại rất chậm và nhỏ giọt, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay, giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, cụ thể là nghị định 84.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, trong nghị định có quy định các thương nhân, đầu mối về nhập khẩu xăng dầu khi có biến động giá trên thị trường thế giới thì trên mức giá cơ sở của 30 ngày trước đó có quyết định tăng giá hay giảm giá, theo tần suất khoảng cách giữa hai lần là 10 ngày.
“Quy định lấy giá cơ sở của 30 ngày trước đó là vì Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có dự trữ trong lưu thông là 30 ngày, và biến động giá bên ngoài cũng có độ trễ, có thể lô hàng đến Việt Nam thì đã được nhập khẩu cách đây hàng tháng rồi và mức giá lúc đó nó khác” – Ông Hoàng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, việc giá xăng dầu trong nước thay đổi chưa kịp thời với diễn biến của xăng dầu thế giới: “Có hiện tượng khi tăng thì tương đối khá, mà khi giảm thì giảm mức độ”.
“Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ tài chính nghiêm túc xem xét quá trình vận hành của nghị định 84. Nếu thấy có điều bất hợp lý thì báo cáo chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi theo quan điểm giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng “ – Bộ trưởng Hoàng nói, đồng thời cho biết, bản thân hai bộ đang nghiên cứu về Quỹ bình ổn giá xăng, tần suất điều chỉnh giá và trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu mối đối với vấn đề biến động giá xăng dầu.