Bộ trưởng có thể chia sẻ thành tựu nổi bật nhất của KHCN Việt Nam thời gian qua?
Việc bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu đã phần nào nói lên thành tựu của KHCN năm qua, trong đó đáng kể nhất là việc Quốc hội thông qua Luật KH&CN (sửa đổi). Luật đã tiếp cận được với những tiêu chí của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, nhất là việc tổ chức thực hiện các đề tài KHCN và cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho KHCN.
Lần đầu tiên, Luật bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động KHCN thông qua việc dành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KHCN. Cũng lần đầu tiên, Bộ KHCN có thẩm quyền trong việc đề xuất, phân bổ dự toán ngân sách hằng năm cho KHCN.
Cũng lần đầu tiên, Luật KHCN cho phép áp dụng cơ chế của Quỹ phát triển KHCN trong việc tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu cũng như thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài, dự án. Như vậy, các nhà khoa học sắp tới sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để có các đề tài nghiên cứu chất lượng tốt.
Việc đưa các chính sách trên vào thực tiễn đang gặp phải những khó khăn gì, thưa Bộ trưởng?
Việc xây dựng nền tảng pháp lý cho KHCN còn rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc thay đổi tư duy của những người làm công tác quản lý. Những chính sách đổi mới KHCN trên, với nhiều nước được áp dụng lâu rồi.
Luật KHCN được thông qua vào giữa năm 2013. Ngay sau đó, Bộ KHCN bắt tay làm các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Mất nửa năm để hoàn thành năm nghị định nhưng rất nhiều người không đồng thuận.
Có lúc, Thủ tướng phải chỉ đạo, Thủ tướng trực tiếp tổ chức cuộc họp mời lãnh đạo các bộ, ngành đến để báo cáo, trao đổi, sau đó Thủ tướng quyết định. Nhờ đó, các nghị định mới được trình Chính phủ. Dù vậy nhiều vấn đề chúng tôi chưa thật hài lòng bởi nó vẫn chưa thể hiện được hết tính đổi mới và tính thông dụng quốc tế.
Bên cạnh việc thay đổi tư duy người quản lý thì sự phối hợp của các cơ quan liên quan là rất khó.
Bộ trưởng có thể cho biết, những giải pháp và công việc cụ thể của KHCN Việt Nam trong năm mới 2014?
Làm sao đầu tư cho KHCN có hiệu quả là điều chúng tôi trăn trở. Năm nay, bên cạnh ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp bắt buộc phải bỏ ít nhất 3-8% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN.
Như vậy, nguồn lực xã hội cho KHCN là rất lớn. Bộ KHCN cần làm sao sử dụng vốn này có hiệu quả. Trong đó, cần trao đổi với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để có thể đề xuất phân bổ ngân sách. Ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào các dự án công cộng, an ninh quốc phòng đồng thời các nguồn lực phải đổ vào địa chỉ có hiệu quả, không phân biệt công lập hay dân lập.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
“Việc có được những bước tiến về cơ chế, chính sách như hiện nay là điều đáng mừng. Tôi tin là các đề tài nghiên cứu sẽ vào cuộc sống nhanh hơn, phát huy tác dụng tốt hơn còn cứ để như trước đây thì mãi mãi các nhà khoa học Việt Nam phải chịu cái tiếng là làm thì nhiều mà bỏ ngăn kéo cũng nhiều”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Đơn vị, cơ sở nào có đội ngũ, có thị trường, có hiệu quả thì Nhà nước phải đầu tư. Xu hướng giải đều ngân sách hiện nay không hợp lý. Sắp tới, ở đâu làm tốt thì sẽ được đầu tư nhiều, nơi nào làm không tốt thì cắt đầu tư.
Trước đây, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thể biết đơn vị nào làm khoa học tốt, đơn vị nào không tốt nên mỗi năm giải kinh phí như nhau mà không có hiệu quả.
Giải pháp thứ hai, Bộ sẽ tập trung vào các chương trình quốc gia đồng thời tiến tới giảm bớt các công trình cấp nhà nước. Trước đây có các chương trình cấp nhà nước. Sản phẩm của các công trình này không theo chuỗi mà ở dạng dàn trải. Tức là ai có nhu cầu thì Nhà nước hỗ trợ nhưng nó không ghép lại với nhau để thành sản phẩm chủ lực hay chuỗi giá trị.
Hiện nay, Bộ KHCN đề xuất Chính phủ phê duyệt các chương trình Quốc gia, là tổ hợp các sản phẩm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm hướng đến sản phẩm cuối cùng. Hay còn gọi là chương trình sản phẩm quốc gia. Hiện Chính phủ đã phê duyệt sáu chương trình chính thức và ba chương trình dự bị.
Cảm ơn Bộ trưởng!