Sau khi trực tiếp đi kiểm tra trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai, nơi liên tiếp xảy ra các vụ học viên trốn trại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp, trong đó xác định đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện khác nhau.
“Cai nghiện bắt buộc là những người đã qua cai nghiện gia đình, cộng đồng nhiều lần nhưng không bỏ được. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ áp dụng hình thức này khi không thể cai nghiện ở gia đình, cộng đồng. Học viên cai nghiện bắt buộc là những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, phân loại những người có tiền án, tiền sự”.
Cũng theo Bộ trưởng Dung, từ thực tiễn, tất cả những trường hợp học viên phá cơ sở cai nghiện, trốn trại đều là những người có tiền án, tiền sự, từng dùng ma túy đá, loạn thần, hướng thần. "Những người này luôn nghĩ làm sao để trốn trại, làm sao có ma tuý để sử dụng. Thế nên, họ lúc nào cũng trong trạng thái muốn trốn trại, phá trại. Đối với những học viên loại này phải có một khu riêng để cai nghiện”, ông Dung bày tỏ.
Với những trường hợp nhẹ hơn hoặc học viên lần đầu đi cai, phải được phân ở khu riêng. "Trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng phải xác định được những người bắt buộc cai nghiện và thông qua toà án xem xét, những trường hợp còn lại khẩn trương đưa về gia đình".
Cũng theo Bộ trưởng Dung phải kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện. "Học viên ở cơ sở cai nghiện dễ bị tâm lý đám đông. Chỉ cần 1-2 người kích động, lôi kéo là dễ xảy ra hiện tượng trốn trại tập thể như thời gian vừa qua. Thế nên, phải xử lý rất nghiêm minh những người cầm đầu, lôi kéo và phải cách ly những trường hợp này”, Bộ trưởng Dung nói.
Mặt khác, Bộ trưởng Dung cho rằng 132 cơ sở cai nghiện đều đang quá tải. Trừ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện cai nghiện tương đối tốt, số cơ sở còn lại không đáp ứng, có nơi quá tải 30-40%, cá biệt có nơi lượng học viên gấp 3 lần.
“Trong thời gian tới, phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi cơ sở cai nghiện như là công trình cấp bách, phải được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng”, ông Dung nói.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Dung, phải rất chú trọng chặn nguồn ma túy thẩm lậu, đấu tranh kiên quyết, triệt phá các trường hợp tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma tuý ở cơ sở cai nghiện.
“Nhiều người nghi ngại khi thấy có tình trạng học viên cơ sở cai nghiện chạy trên mái nhà 4-5 tiếng, có trường hợp ngồi cột điện 5-6 tiếng không ngã, người thường có thể làm được không? Có ý kiến băn khoăn nghi ngờ rằng có tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở cai nghiện. Đây là việc cần phải giải quyết đến nơi đến chốn”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây, Sở LĐTB&XH, Công an, cơ quan chức năng cần phải phối hợp để ngăn chặn tối đa việc thẩm lậu ma túy vào các cơ sở cai nghiện.
Ngoài ra, ông Dung cũng cho biết, cũng phải rất chú trọng chăm lo đội ngũ những người làm công tác cai nghiện. “Những người làm công tác cai nghiện rất vất vả, khó khăn, gian khổ. Mức lương của họ chỉ khoảng 2t riệu đồng/tháng, trong khi đó nguy cơ lúc nào cũng rình rập”, Bộ trưởng cho hay.