85% học viên học nghề ra trường có việc làm ổn định
Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu.
Là đại biểu đầu tiên nêu câu hỏi chất chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Dương (Quảng Ngãi) đề nghị cho biết giải pháp của Bộ LĐ-TB&XH về giáo dục nghề nghiệp ra sao để có chính sách thu hút học sinh khá giỏi?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, cũng là sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Quốc hội cũng đã hoàn thành chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Dung cũng nhìn nhận, quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các chính sách, chế độ ưu đãi để khuyến khích học sinh học nghề cũng cần quan tâm nhiều.
Thực tế, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phần đa sinh viên vào trường nghề do không có điều kiện học lên, muốn nhanh chóng bước vào thị trường lao động, đi làm kiếm thu nhập. Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Dù vậy, theo ông Dung phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỷ lệ tới 85%.
"Tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng thấp"
Chất vấn về vấn đề văn bằng, chứng chỉ, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, tiêu chí đánh giá trình độ hiện nay là trên văn bằng chứng chỉ. Trong khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta chưa cao. Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận lao động chưa qua đào tạo trường lớp vẫn tạo ra năng suất lao động. Họ có những kỹ năng làm việc, chỉ là hiện nay thiếu những công cụ đánh giá năng lực.
Do vậy, ông Tám đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này? Liệu có cần thiết xây dựng công cụ để đánh giá năng lực của bộ phận lao động này?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng văn bằng, chứng chỉ chỉ là một nội dung đánh giá. “Thực tiễn, có lao động không có chứng chỉ nhưng tay nghề rất cao. Như đúc đồng ở Ý Yên – Nam Định, nhiều người không có chứng chỉ nhưng tay nghề rất cao. Chúng tôi cũng trăn trở suy nghĩ, tại sao không tổ chức cách thức cấp chứng chỉ cho những người này. Những vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho hay.
Liên quan đến tình trạng thiếu việc làm mà đại biểu đặt ra, ông Dung cho biết, bình quân tỉ lệ thất nghiệp quý 1/2023 là 2,25%. Ở thời điểm hiện tại, theo ông Dung, tỉ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. "Tỉ lệ thất nghiệp quý 1/2023 của Việt Nam so với các quốc gia ở ngưỡng thấp", ông Dung nói.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Dung cho biết, ngày 26/5 đã có thống kê, báo cáo chính thức, số mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc. Nguyên nhân do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.