Bộ trưởng Công Thương yêu cầu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các doanh nghiệp cần chú trọng triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia vào khâu của quá trình sản xuất và các chuỗi cung ứng của tập đoàn. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược của Thành Công Motor (TC Motor) và Công ty Škoda Auto (Cộng hòa Séc) diễn ra ngày 7/10.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, Việt Nam đã thực thi nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Trong đó, trọng tâm khuyến khích đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung để nâng cao năng lực sản xuất ô tô trong nước. Từng bước tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, lắp ráp ô tô trong khu vực và thế giới.

“Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về công nghệ, thương mại giữa TC Motor và Skoda Auto để sản xuất, lắp ráp và phân phối xe ô tô tại thị trường Việt Nam là dự án lớn, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Để sự hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thành Công Motor và đối tác thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ. Nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Từ đó từng bước định vị được vị thế trên bản đồ sản xuất ô tô trong khu vực và thế giới.

Người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng, việc hợp tác giữa hai bên trước mắt sẽ là cầu nối giúp thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của châu Âu và thế giới trong hoạt động sản xuất, lắp ráp các sản phẩm ô tô mang thương hiệu Skoda tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai.

Một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh trong việc hợp tác chính là hai bên cần chú trọng triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của tập đoàn. Việc gia tăng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều lĩnh vực sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để làm được việc này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sẽ tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nhân lực, bảo đảm đủ khả năng đảm nhận, làm chủ công nghệ được chuyển giao cũng như các kỹ thuật sản xuất và quản lý vận hành tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Các đơn vị cần tập trung nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển đa dạng sản phẩm. Về lâu dài, cần hướng tới chiến lược sản xuất, phân phối các loại xe sử dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời mở rộng sang lĩnh vực sản xuất linh kiện, trang thiết bị, đón đầu xu thế phát triển của ngành công nghiệp trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Là cơ quan chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và chủ động phối hợp các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Theo thoả thuận hợp tác kinh doanh chiến lược giữa TC Motor và Skoda Auto, hai hãng có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe ô tô tại Quảng Ninh.

Theo công bố của Skoda, hai dòng xe CKD sẽ được lắp ráp tại nhà máy mới của TC Motor tại Quảng Ninh. Đây cũng chính là nơi đặt nhà máy của TC Motor ở mảng công nghiệp phụ trợ. Hiện dây chuyền sản xuất của TC Motor đang được xây dựng và dự kiến hoàn thiện trong nửa đầu năm 2024, để kịp với kế hoạch lắp ráp xe từ cuối năm.

Skoda Auto kỳ vọng sẽ đạt doanh số hàng năm 30.000 ô tô trong giai đoạn đầu và lên tới hơn 40.000 chiếc mỗi năm từ năm 2030, nhờ việc mở rộng mạng lưới phân phối lên hơn 50 đại lý, các cơ sở đầu tiên sẽ được đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Về phần mình, TC Motor cho biết, việc hợp tác cùng Skoda sẽ giúp nhà sản xuất Việt Nam mở rộng danh mục thương hiệu ô tô lắp ráp và phân phối tại Việt Nam từ châu Á đến châu Âu. Vào tháng 9/2020, tập đoàn Thành Công cũng đã bắt đầu xây dựng dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với tổng diện tích 340 ha và vốn đầu tư 799 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG