Bộ trưởng Công Thương: 'Tôi chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
TPO - Trả lời câu hỏi của báo chí chiều 30/12 xung quanh những vấn đề liên quan đến triển khai dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm và cả từ chức nếu dự án này xảy ra hệ lụy xấu.

Dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen ở Cà Ná (Ninh Thuận) được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến về lợi ích nhóm cũng như việc hy sinh lợi ích của nhân dân khi đưa dự án này vào quy hoạch ngành thép. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này

Đối với vấn đề liên quan chính sách phát triển của chúng ta thời gian qua như trong công nghiệp thép, đúng là đã trở thành điểm nóng thu hút dư luận. Dự án thép Hoa Sen Cà Ná đã được đề cập nhiều chiều trong đó có chiều cho rằng có liên quan đến chính sách lợi ích nhóm, thậm chí hơn thế, có ý kiến là bảo hy sinh lợi ích môi trường để phục vụ mục tiêu của một dự án

Tôi cho rằng sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta không đề cập đến những vấn đề này. Quan điểm tiếp cận của Bộ Công Thương rất cầu thị và có trách nhiệm trong việc phê duyệt các dự án. Chúng tôi biết có nhiều luồng dư luận khác nhau và chúng tôi đang rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, dư luận. Chúng ta chưa nói đến dự án đang sử dụng công nghệ gì. Quy hoạch là bước đi đầu tiên để các nhà đầu tư có sự chuẩn bị.

Nếu để xảy ra hệ lụy xấu như với dự án thép Cà Ná, kể cả việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương quá nhỏ bé, không có ý nghĩa đối với những thiệt hại gây ra cho đất nước, cho người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh 

Dự án ở Cà Ná là chuẩn bị thay thế cho một dự án đã được phê duyệt trước đó nhưng đã bị dừng triển khai. Một dự án từ khi có chủ trương nghiên cứu triển khai đầu tư đến khi đi vào thực hiện phải trải qua

Cá nhân tôi không e ngại khi nói rằng quan điểm của bộ rất cởi mở, lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận. Một mặt chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà phản biện, của người dân, các tổ chức xã hội đồng thời chúng tôi quyết định tổ chức đánh giá tác động của các quy hoạch thép và mời thầu tư vấn quy hoạch xây dựng ngành thép ở Việt Nam trước khi trình Chính phủ thông qua.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, có đại biểu cho rằng dự án Hoa Sen Cà Ná là dự án “oan nghiệt”. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Với dự án thép, nếu đánh giá là dự án thép Cà Ná là dự án oan nghiệt thì tôi không hiểu rõ ngữ nghĩa, suy nghĩ và quan điểm của tác giả câu nói đó. Phải nói lại cho chính xác, đây mới là điều chỉnh quy hoạch ngành thép và dự án nằm trong quy hoạch đó. Chúng ta chưa nói đến một dự án đã được phê duyệt để đầu tư. Quá trình xây dựng, thẩm định dự án là về sau và còn rất nhiều thời gian, còn nhiều dư địa để chúng ta thực hiện tốt các chức năng quản lý nhà nước, trong đó có việc bảo vệ môi trường các dự án.

Với bất cứ dự án nào đưa ra, với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài tính hiệu quả của dự án, phải đảm bảo những yếu tố, lợi ích chung của người dân, nhà nước. Với dự án thép Cà Ná, mới chỉ đang dừng ở mức quy hoạch, chúng ta chưa phê duyệt, chưa có báo cáo cụ thể về công nghệ, tổ chức thực hiện và các vấn đề khác liên quan đến báo cáo tác động môi trường. Đây là một quãng đường rất dài với sự tham gia, góp ý của nhiều bộ ngành khác nhau.

Ngược lại, cũng phải nhìn nhận, nếu không có dự án của Cà Ná cũng như các dự án của Quảng Ngãi, Dung Quất và các dự án về phát triển công nghiệp, đất nước Việt Nam có phát triển được hay không. Nếu sợ rằng có những hệ lụy mà chúng ta cứ mường tượng sẽ xảy ra do gắn với thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước thì chúng ta sẽ không làm được gì cả. Đất nước có thể tiếp tục phát triển bằng hạt muối của Cà Ná, hạt thóc của Tây Nam Bộ không? Một đất nước không có nền công nghiệp thì có thể phát triển được hay không? Nếu chúng ta e sợ những hệ lụy như vậy thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có đặt câu hỏi nếu dự án Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Công Thương có từ chức? Khi đó do hết giờ nên ông đã chưa trả lời kịp. Vậy ý kiến Bộ trưởng về câu hỏi này thế nào?

Về câu trả lời cho đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến việc nếu dự án Cà Ná có vấn đề xảy ra thì Bộ trưởng Công Thương có chịu trách nhiệm, có từ chức hay không, tôi khẳng định đã có văn bản trả lời cho đại biểu Quốc hội về việc này.

Tôi không phải là người sợ trách nhiệm và tôi sẵn sàng hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ khi dự án khi được triển khai thì mới có thể nói có hay không các hệ lụy. Nhưng phải khẳng định, tùy quy mô của dự án sẽ có những quy định liên quan đến việc phê duyệt mà thẩm quyền phê duyệt. Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm với đúng thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Nếu hệ lụy xảy ra, phần trách nhiệm nào của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân và nhân dân. Nhưng phải khẳng định, nếu để xảy ra hệ lụy xấu như với dự án thép Cà Ná, kể cả việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương quá nhỏ bé, không có ý nghĩa đối với những thiệt hại gây ra cho đất nước, cho người dân. Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng là phải bằng tất cả các công cụ pháp lý, ý thức trách nhiệm của mình để đảm bảo không để xảy ra bất cứ hệ lụy nào.  Tôi khẳng định trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội là sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc này.

Trước khi làm Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Chỉ có điều Bộ trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao hơn, tương xứng với những hành vi và trách nhiệm của mình. Hơn nữa tôi là người Đảng viên của Đảng và tôi thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại việc từ chức. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ rằng, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và hệ thống là không được phép để hệ lụy xảy ra. Khi đã để hệ lụy xảy ra thì không có thời gian để hối hận, sửa chữa, khắc phục được nữa.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG