Dễ gây phiền hà khi chưa liên thông
Ngày 21/10, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Quy định sớm bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đa số đại biểu tán thành chuyển đổi quản lý cư trú sang phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân, nhất trí Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2021. Tuy nhiên, ý kiến khác lại đề nghị quy định chuyển tiếp sổ hộ khẩu đến hết năm 2022.
Cho ý kiến việc này, đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật một lần nữa khẳng định, bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, nên cần được đánh giá thận trọng. Do vậy, việc kéo dài sổ hộ khẩu đến hết năm 2022 sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, cũng không làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại, cho dù Bộ Công an có thể hoàn thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như kế hoạch, nhưng nhiều ngành khác như cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có thể chưa kết nối, liên thông. Theo ông Hòa, nếu không có thời gian chuyển tiếp, lại chưa liên thông, dẫn đến các cơ quan đòi hỏi, gây phiền hà cho người dân.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cùng một số ý kiến khác cho rằng, sớm thay đổi phương thức quản lý cư trú mới đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn đề ra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại các khâu để đảm bảo tính khả thi khi quyết định thời điểm bỏ sổ hộ khẩu.
Ðòi hỏi cả hệ thống thay đổi
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh mục tiêu quan trọng khi sửa đổi Luật Cư trú là phải bảo đảm được yêu cầu không gây cản trở, ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời, xác định được vị trí pháp lý của công dân và phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng Công an khẳng định, nếu không dứt khoát được thời điểm sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan. Sổ hộ khẩu hiện nay có rất nhiều điều khoản khác quy định vẫn thường gọi là “ăn theo”. Do vậy, thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống thay đổi chứ không chỉ sổ hộ khẩu.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện thông tin cơ sở dữ liệu dân cư 90% thu thập được, chỉ thẩm định, phúc tra lại đưa vào hệ thống. 10% còn lại sẽ cố gắng trong năm 2020 hoàn thành. Ông đề nghị áp dụng phương thức quản lý cư trú mới ngay khi luật có hiệu lực từ 1/7 năm sau.