Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về giãn cách xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về giãn cách xã hội?
TPO - Nhận định về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hầu hết các địa phương, các đơn vị đã kiểm soát được tình hình dịch. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng còn hai địa phương phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát sớm tình hình là Bắc Giang và Bắc Ninh”.

Bộ trưởng đánh giá, do ổ dịch tại Bắc Giang xảy ra trong khu công nghiệp, tại một nhà máy có mật độ công nhân làm việc rất cao, khoảng cách giữa công nhân với công nhân rất hạn hẹp vì vậy khi xảy ra dịch thì sẽ là một chùm lây nhiễm mạnh trong khu vực nhà máy. Bắc Giang đã lấy một lượng mẫu xét nghiệm lớn với hơn 200.000 mẫu. Đây là nỗ lực rất lớn của Bắc Giang trong quá trình thực hiện kiểm soát dịch bệnh.

“Chúng tôi cho rằng thời gian tới đây có thể xuất hiện thêm các ca nhiễm, nhưng các ca nhiễm này nằm trong các khu vực đã thực hiện cách ly, phong toả. Chúng tôi hy vọng Bắc Giang sớm kiểm soát tình hình dịch. Đối với Bắc Ninh, chúng tôi đánh giá cũng có nguy cơ rất cao vì Bắc Ninh với Bắc Giang là hai địa bàn giáp ranh với nhau. Trong các khu công nghiệp của Bắc Ninh hiện có số lượng công nhân lớn”, ông Long nói.

Trong những ngày qua số ca mắc có khi lên đến 160 ca/ngày, nhưng ngành y tế vẫn khẳng định cơ bản đã kiểm soát các ổ dịch và không cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội.

Giải đáp thắc mắc này Bộ trưởng cho biết: “Ở đây, chúng ta phải hiểu khái niệm về giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Chính phủ đã rất rõ. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, căn cứ vào phân tích về dịch bệnh của địa phương, các vấn đề về phòng chống dịch bệnh, địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 trên từng địa bàn.

Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội cả một tỉnh thì địa phương phải có báo cáo Chính phủ. Về giãn cách xã hội, lấy ví dụ thực tiễn từ Bắc Giang, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 4 huyện và phong toả khu vực xã Quang Châu để kiểm soát tốt tình hình dịch tại đó.

Giãn cách xã hội trên quy mô, cách thức hợp lý để làm sao chúng ta phòng chống được dịch bệnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của người dân. Đấy là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đánh giá được tình hình dịch bệnh tại địa phương đó”.

Trong quá trình chống dịch, các chuyên gia cho rằng, xét nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khống chế dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, lần này ngành y tế thay đổi cơ bản: xét nghiệm trên diện rộng, tầm soát trên diện rộng được thực hiện bởi cơ quan y tế cũng như tại các cơ quan, đơn vị.

Trước đây, chỉ sử dụng một loại sinh phẩm là RT-PCR, nhưng hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh. Đối với sinh phẩm kháng nguyên nhanh, các đơn vị có thể tự xét nghiệm ngay tại chỗ. Ông lấy ví dụ: Đối với các nhà máy có thể sử dụng kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho công nhân làm việc tại đó; hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoặc những nơi hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiếp xúc cũng có thể tự thực hiện xét nghiệm.

“Chúng tôi đã khuyến khích các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất sinh phẩm xét nghiệm; đồng thời cũng tăng cường nhập khẩu để đảm bảo đủ cho mở rộng xét nghiệm.

Ngành y tế sẽ tiếp tục hài hoà giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể để đánh giá tình hình dịch cũng như về sau này đưa ra các hướng dẫn về cách ly y tế, cách ly tập trung với một số đối tượng là chuyên gia hay người nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm vắc-xin.

Có thể khẳng định cách thức tiếp cận và cách làm xét nghiệm đã thay đổi để nâng cao tổng lực xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch’, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.