Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Khó chỉ ra chạy chức, quyền

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Khó chỉ ra chạy chức, quyền
TPO – Trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 26 – 3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, có dư luận về việc chạy chức, chạy quyền nhưng chỉ ra cụ thể rất khó.

 > ‘Không đưa phong bì, y đức sẽ cải thiện’

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn.

Cầm tay chỉ việc, công chức cũng lắc đầu 

Chiều nay, 26 – 3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, về quy chế tuyển dụng công chức, đã phân cấp cho đơn vị sự nghiệp, theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, áp dụng thống nhất trong từng bộ, tỉnh, trên cơ sở đề cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, căn cứ vào kết quả học tập, phỏng vấn trực tiếp…, bước đầu tạo sự cạnh tranh trong đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, không ít đại biểu lại cho rằng, còn quá nhiều điều đáng bàn trong việc tuyển dụng công chức, viên chức.

Ông Lê Như Tiến – Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu thực tế, gần đây, cơ quan điều tra ở các tỉnh phía Nam phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học, thi hộ. Nhiều tỉnh thành khác cũng có hiện tượng tương tự. Như vậy, bằng thật, chất lượng giả được bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng và hồ sơ đề bạt, bổ nhiệm.

Nhiều thứ trưởng do nhiều việc

Nhiều đại biểu cho biết, thực hiện Nghị quyết về việc cải cách bộ máy hành chính, trong khi tổ chức bộ máy đầu mối của cơ quan giảm đi thì tổng biên chế không giảm, mà còn tăng thêm.

Cũng có đại biểu cho rằng, nhiều bộ hiện nay có quá nhiều thứ trưởng, trong khi quy định chỉ là bốn.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, không có quy định cứng về số thứ trưởng. Công việc quá nhiều khiến thứ trưởng cũng phải tăng thêm.

“Một đại biểu nhiệm kỳ quốc hội khóa 12 đã nhận định, khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải cầm tay chỉ việc, và hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm. Vậy, có phải khâu tuyển dụng của ta có vấn đề.

Đó là chủ yếu nghiên cứu hồ sơ, dựa vào bằng cấp là chính mà chưa coi trọng năng lực thực sự. Áp lực bằng cấp vô hình chung đã làm cán bộ chạy điểm, mua bằng, thuê học, thuê thi” – Ông Tiến nói.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, trong quá trình tuyển dụng kết hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo, thực tế có diễn ra sự việc như đã nói. “Chúng tôi sẽ tính toán, hạn chế tình trạng học giả bằng thật” – Ông Bình nói.

Chưa hết, nhiều đại biểu cũng thắc mắc việc một số tỉnh, thành phân biệt đối xử khi tuyển công chức đối với người học công lập, dân lập. Theo Bộ trưởng Bình, trong lúc chưa có các quy định mới, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ Công chức, Viên chức, không phân biệt loại hình đào tạo.

“Chỉ khi nào Bộ Giáo dục phân biệt loại hình đào tạo, chúng ta mới phân chia” – Ông Bình nói.

Bộ trưởng Bình cũng cho biết, trước đây, thường thi chung sau đó mới xét, nhưng bây giờ tuyển dụng theo chính chuyên ngành của từng nơi tuyển dụng. Trong đó, ngoài những kiến thức chung, còn một nội dung thi phù hợp với vị trí làm việc.

Bức xúc trước việc có người xin việc làm phải tốn có khi lên tới hàng trăm triệu đồng, đại biểu Bùi Thị An chất vấn: Khi tuyển dụng, nhiều dư luận trong xã hội cho rằng, một số vị trí phải tốn rất nhiều tiền, từ hàng trăm triệu trở lên. "Đồng chí, với tư cách bộ trưởng, có biết việc đó không? Có việc đó không và có thì đồng chí có giải pháp gì để triệt tiêu nó?"

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời, đây cũng là một nội dung mà khi ông về Bộ Nội vụ, có những dư luận như thế. "Đây là một nội dung mang tính chất bức xúc nhưng trong thực tế, chỉ ra thì báo cáo với đại biểu là thật khó".

"Báo cáo với các đại biểu, chúng tôi tiếp thu ý kiến này để có nghiên cứu có cơ chế để đảm bảo công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, khách quan góp phần khắc phục, hạn chế những khiếm khuyết, những mặt mà dư luận xã hội đang quan tâm" - Bộ trưởng Bình nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sẽ trình lên chính phủ, trao quyền cho UBND tỉnh, tránh việc rườm rà khi quyết định chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức.

Sẽ tăng lương, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là tiền lương, chính sách cho cán bộ, viên chức. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay, đang xây dựng đề án nâng mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu.

“Tính đến thời điểm này, ban chỉ đạo cải cách tổng thể tiền lương giai đoạn 2011/2012 đến 2020 cơ bản đã có lộ trình, có bước đi để đạt mức tối thiểu. Những cái này còn phải thông qua chính phủ, Bộ chính trị…".

Ông Bình cũng cho biết, tổng số cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, tính đến cuối 2011, là 2.832.000 người, người chiếm 3,26% dân số. Nếu tính lực lượng hưởng lương trợ cấp từ ngân sách nhà nước là 7.500 ngàn người.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, trong cải cách chính sách tiền lương phấn đấu đạt mức tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu thì mới tính đến việc cải cách ngạch, bậc lương.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ mời lãnh đạo các địa phương, vùng miền để soạn thảo đề án sửa đổi nghị định để cải cách tiền lương, chăm lo chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức của các cấp xã, phường, cơ sở…

“Trước mắt, có thể sửa đổi bổ sung một số điều về phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở phường, thôn, bản phù hợp với tình hình thực tế” – Ông Bình nói.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị bộ trưởng trả lời trước việc tạo dựng chính sách thu hút nhân tài, việc tiếp tục triển khai chủ trương thí điểm không xây dựng hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ nội vụ cho biết, tiếp thu, ghi nhận ý kiến đồng thời sớm tham mưu cho chính phủ để sớm có hướng chỉ đạo.

Theo Viết
MỚI - NÓNG