Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Niềm tin đổi mới giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Niềm tin đổi mới giáo dục
TP - Khoảng 23 triệu học sinh bước vào khai giảng năm học mới 2020-2021 với một tâm thế đặc biệt: vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình giáo dục phổ thông mới, hành lang pháp lý đã hoàn thiện, tự chủ giáo dục đại học được xem như kiềng ba chân vững chắc để ngành Giáo dục bước vào năm học mới. 

“Năm học mới còn rất khó khăn, bệnh dịch vẫn diến biến phức tạp, tôi mong muốn các thầy cô sẵn sàng tâm thế thực hiện nhiệm vụ kép, vượt qua khó khăn”, Bộ trưởng GD&ĐT nói.

Rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp

Theo ông Nhạ, 4 năm qua, ngành giáo dục đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học); ban hành được chương trình giáo dục phổ thông mới (một chương trình tổng thể, chương trình bộ môn thống nhất). Từ chương trình này, tư duy về SGK đã thay đổi. SGK trong chương trình hiện hành được coi là pháp lệnh, giáo viên cứng nhắc dựa theo. Với chương trình mới, giáo viên dựa vào đó để bứt ra đổi mới, chủ động hơn, không còn tình trạng cầm tay chỉ việc.  

Đối  với giáo dục đại học (ĐH), bắt đầu có sự thay đổi nhận thức, các trường đã tự vận động, không còn ngồi chờ, có tư duy tự chủ, chịu trách nhiệm. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu giống như chỉ số sức khỏe của các trường ĐH. Khi minh bạch thông tin, sẽ không còn chuyện “mượn” giảng viên ở các trường tư thục, “loạn” bằng cấp liên kết. Thay vì quản lý hành chính, Bộ sẽ quản trị, giám sát quá trình, kiểm soát đầu ra, đóng vai trò dẫn dắt, là trọng tài cho các trường ĐH.

Năm học này cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới đối với lớp 1. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc chọn sách đã xong; SGK lần đầu tiên được xã hội hóa nhưng đã có 3 nhà xuất bản tham gia in ấn, cung ứng sách. Sách đã về các địa phương, không có nơi nào thiếu sách. Toàn bộ giáo viên lớp 1 được bồi dưỡng, cơ sở vật chất được chuẩn bị chu đáo. 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp được coi là khung cố định đối với các cơ sở giáo dục. Mỗi năm học sẽ có một số điểm nhấn. Năm học mới 2020-2021, nhiệm vụ thứ nhất sẽ là rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp. Đối với phổ thông, sẽ phải tổng kết, sơ kết xem địa phương rà soát như thế nào, từ đó mới có giải pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng sáp nhập cứng nhắc, cơ học.

Với đại học sẽ rà soát, nhấn mạnh quy hoạch mạng lưới, quy hoạch theo không gian mở, theo thị trường. Nhiệm vụ thứ hai liên quan nhà giáo. Đối với cấp phổ thông, Bộ đã ban hành chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, nhưng năm nay, điểm nhấn là hiệu trưởng các trường phổ thông. Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh, cần phải thống nhất lại quan điểm: dạy tiếng Anh là hình thành nên kỹ năng tiếng Anh, không phải là dạy ngôn ngữ Anh. Do đó, sẽ chú trọng kỹ năng của giáo viên và học liệu, có hệ thống chương trình phù hợp, kết hợp giáo viên trong nước và giáo viên nước bản địa…

“Về quản lý, sẽ nhấn mạnh tự chủ. Trong nhà trường phổ thông, vai trò của nhà trường và giáo viên được tự chủ xây dựng kế hoạch, được quyền tự chủ đổi mới phương pháp. Với địa phương, tăng cường nhận thức chịu trách nhiệm thực hiện Luật Giáo dục tại địa phương”, ông Nhạ nói.

Ðổi mới thi cử, tuyển sinh

Ông Nhạ khẳng định, không thể bỏ thi tốt nghiệp THPT vì đã được quy định trong Luật Giáo dục, nhưng phương thức thi như thế nào là do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. “Bộ dự kiến năm tới đưa  kỳ thi về cho các địa phương tổ chức nhẹ nhàng. Tuy vậy, Bộ không buông, vẫn hướng dẫn ma trận đề, thống nhất phần mềm và tăng cường kiểm tra, đồng thời minh bạch điểm thi, kết quả học bạ của thí sinh”, ông cho biết. Hiện nay, đối với kết quả học bạ ở bậc phổ thông, giáo viên tự ra đề, tự cho điểm, nên có tình trạng không công bằng. Không những thế, còn xảy ra dạy thêm, học thêm. Vì vậy, Bộ sẽ tính đến việc khảo thí độc lập. Đó là xây dựng ma trận chuẩn đầu ra để tách việc dạy của giáo viên ra khỏi việc ra đề kiểm tra, đánh giá. Dự kiến sẽ có phần mềm tích hợp chọn đề. Học sinh kiểm tra xong sẽ có luôn điểm trên phần mềm, các thầy cô không có cơ hội sửa điểm, chất lượng học bạ sẽ phản ánh trung thực trình độ.

Đối với tuyển sinh ĐH, các trường có nhiều phương thức. Một số trung tâm sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực để các trường tuyển sinh. Tháng 10 tới, Bộ sẽ công bố cụ thể kế hoạch thi và tuyển sinh năm sau để các sở GD&ĐT cũng như các trường ĐH, thí sinh chuẩn bị.

Lễ khai giảng rút gọn

Hôm nay, tất cả các trường học trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho gần 18 triệu học sinh phổ thông và gần 5,4 triệu trẻ bậc mầm non. Do một số địa phương vẫn có dịch COVID-19, nên lễ khai giảng được rút gọn (dưới 45 phút), nhiều trường tổ chức ngay trong lớp học, không diễu hành, không bóng bay và đeo khẩu trang. Có trường cho 100% học sinh dự lễ khai giảng ở sân trường, nhưng cũng có trường chỉ ưu tiên học sinh đầu cấp, cuối cấp. Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) ưu tiên học sinh lớp 1, lớp 5 dự lễ khai giảng dưới cờ ở sân trường, học sinh từ khối 2 đến 4 dự lễ trong lớp học. Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tặng áo cờ đỏ, sao vàng cho học sinh toàn trường.

Hà Linh
MỚI - NÓNG