Bộ TN&MT nói gì về quy định mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT quy định các nguyên, vật liệu phải thu hồi được tối thiểu là 50% trong sản phẩm máy tính thải bỏ. Ảnh minh họa.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT quy định các nguyên, vật liệu phải thu hồi được tối thiểu là 50% trong sản phẩm máy tính thải bỏ. Ảnh minh họa.
Trước ý kiến trái chiều liên quan đến quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có thông tin phản hồi.

Trước ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80-90%, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ý kiến này phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỷ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm.

“Dự thảo Nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. Việc xác định tỷ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia (bao gồm các Bộ, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và đại diện một số tổ chức, chuyên gia có liên quan) thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình kinh tế-xã hội của từng giai đoạn”, đại diện Bộ TN&MT lý giải.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm, theo công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu trong Dự thảo Nghị định thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia ở Châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của Châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR. Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định mức tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc không quá 5% cho 3 năm, như vậy, Việt Nam sẽ mất ít nhất 20-30 năm mới đạt tỷ lệ như các quốc gia ở Châu Âu tại thời điểm này.

Hiện nay Dự thảo Nghị định quy định các nguyên, vật liệu phải thu hồi được tối thiểu là 50%, không phải là tỷ lệ tái chế bắt buộc như đã nêu ở trên. Ví dụ như khi tái chế một chiếc máy tính thì vật liệu nhựa, kim loại… trong máy tính đó phải được thu hồi tối thiểu là 50% khối lượng của máy tính đó. Tỷ lệ thu hồi này được đặt ra nhằm tối ưu hoá việc tái chế và thu hồi nguyên liệu và đang được Dự thảo Nghị định quy định thấp hơn khoảng 15-30% so với Châu Âu ở giai đoạn bắt đầu áp dụng EPR.

Về quy định liên quan đến đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật BVMT 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Ngoài ra, thực tiễn hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và đều không coi đóng góp tài chính này là nguồn thu ngân sách nhà nước như thuế, phí. Đối với khoản đóng góp này, cơ quan nhà nước chỉ thực hiện giám sát và kiểm tra việc sử dụng để đảm bảo đúng mục đích là hỗ trợ cho hoạt động tái chế.

Trên thực tế, ở Việt Nam đã có nhiều quy định tương tự trong việc áp dụng khoản đóng góp tài chính vào các quỹ giống như trong Luật BVMT 2020, trong đó các khoản đóng góp được thu vào các quỹ để hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển và hoạt động quản lý khác nhau. Ví dụ như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), Quỹ Phòng chống thiên tai theo Luật Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nhiều loại quỹ khác. “Các khoản thu này không thuộc về ngân sách, không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, mà đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể hiệu quả hơn”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải.

MỚI - NÓNG