Bộ Thủy sản né trách nhiệm trong bão số 1

Bộ Thủy sản né trách nhiệm trong bão số 1
Là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm quản lý tàu thuyền ra khơi, nhưng trong bão số 1, Bộ Thủy sản không nắm được số lượng tàu thuyền, ngư dân đánh bắt ở đâu.
Bộ Thủy sản né trách nhiệm trong bão số 1 ảnh 1
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Chính phủ đầu tư đóng từ 1 đến 2 tàu cứu hộ loại lớn, có thể mang theo máy bay trực thăng, hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn. Ảnh: VnExpress

Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng chống bão số 1, Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã không đề cập đến trách nhiệm này.

Bản báo cáo dài gần 7 trang do Thứ trưởng Bộ Thủy sản Lương Lê Phương ký, trình bày khá dài về diễn biến bão số 1, công tác triển khai phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, tình hình ngư dân, tàu cá gặp nạn, còn việc chỉ ra nguyên nhân chính khiến hơn 250 ngư dân chết và mất tích thì không được đề cập. Báo cáo này cũng không có một dòng nào thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc giãi bày, tàu đánh bắt cá xa bờ chỉ được thiết kế chống lại gió bão cấp 6, trong khi cơn bão số 1 (Chanchu) giật trên cấp 12.

Các phòng thủy sản cấp huyện, đầu mối nắm bắt thông tin tàu thuyền đánh bắt cá, đang bị thu hẹp. Trong cơn bão số 1, 19 huyện của 3 tỉnh thành chịu thiệt hại nặng nề gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều không có phòng thủy sản.

Trong khi đó, trách nhiệm của Bộ Thủy sản được Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương thẳng thắn chỉ ra, đó là công tác quản lý tàu thuyền của ngành thủy sản và địa phương làm chưa tốt.

Trong thời điểm có bão, Bộ không biết có bao nhiêu tàu thuyền ở vùng bão; khi tàu gặp nạn, không nắm được chính xác vị trí và số lượng tàu thuyền nên không triển khai kịp thời công tác cứu nạn. Việc phối hợp khai thác thông tin duyên hải giữa ngành thủy sản và hàng hải không tốt.

Trao đổi với báo giới về việc 3 bộ chưa thống nhất trong việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc nói: "Tôi sẽ kiểm tra và trả lời sau".

Trả lời báo chí rằng đã bao giờ Bộ Thủy sản đặt hàng Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự báo bão biển phục vụ ngư dân đánh bắt cá xa bờ, ông Ngọc nói chung chung: "Cần phải rút kinh nghiệm trong quan hệ giữa các ngành với nhau".

Sẽ thay đổi cách dự báo bão

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành thừa nhận, mặc dù rất cố gắng theo dõi, dự báo bão số 1, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định trong Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, nhưng việc dự báo cơn bão vừa qua chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai.

Ông Thành phân tích nguyên nhân khách quan là hạn chế về công nghệ nên không thể dự báo xa hơn, nhưng cũng nhấn mạnh tới nguyên nhân chủ quan. Đó là tư duy dự báo thiên về đảm bảo an toàn vùng ven bờ, đất liền.

Rút kinh nghiệm bão số 1, Thứ trưởng Thành cho biết Bộ đã xem xét, kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều của Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

Cụ thể sẽ đưa cảnh báo bão thời hạn 48 giờ vào bản tin; thay đổi một số tên gọi về bão cho phù hợp; tăng số lần phát bản tin dự báo cho trường hợp bão trên biển Đông.

"Chúng tôi cũng sẽ đổi mới hình thức cung cấp thông tin dự báo cho cơ quan chỉ đạo. Ngoài bản tin chính thức, có thêm bản tin tham khảo của các trung tâm dự báo khí tượng trên thế giới", ông Thành nói.

Thắt chặt kiểm soát tàu thuyền

Thiếu tướng Trần Hoa, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng thừa nhận trong cơn bão số 1, Biên phòng không nắm rõ khu vực, tọa độ tránh bão của ngư dân. Lý do là ngư dân giấu ngư trường, không chấp hành quy định thông tin cho Bộ đội Biên phòng. Do đó, lực lượng này không thể đề nghị Đài Loan, Trung Quốc giúp đỡ ngư dân có vị trí neo đậu tàu an toàn, cũng như tổ chức tìm kiếm cứu nạn sau bão.

Công tác phối hợp kiểm soát tàu thuyền ra khơi giữa Bộ đội Biên phòng và các Chi cục khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa tốt.

Thiếu tướng Hoa khẳng định: "Nếu biết được ngư dân đang tránh bão ở đảo Đông Sa của Trung Quốc thì trong 3 ngày (từ 14 đến 16/5), ta có thể đề nghị với phía bạn hợp tác, bố trí cho ngư dân trú bão an toàn. Thiệt hại vì thế sẽ giảm đi rất nhiều".

Rút kinh nghiệm từ cơn bão này, thiếu tướng Trần Hoa cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra khơi.

Ông kiến nghị phải có chế tài xử lý đối với các thuyền trưởng khi không chấp hành quy định khai báo ngư trường, thông tin về tần số và thời gian liên lạc cho bộ đội biên phòng.

Chủ trì hội nghị Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các bộ ngành và địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tiến tới vươn ra đánh bắt cá xa bờ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Hiện Việt Nam có 96.000 tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ.

Theo Hồng Khánh
VnExpress

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.