Bỏ thiết kế ô tô sang thời trang thổ cẩm

Bỏ thiết kế ô tô sang thời trang thổ cẩm
TP - Huỳnh Nguyên Thông hiện là chủ sở hữu thương hiệu thời trang thổ cẩm Thông Bahnar Brocade. Chàng trai người Kinh vốn đang sở hữu công việc nghìn đô  quay sang lĩnh vực dệt may đã khiến ngay cả những người già Bahnar cũng “mắc cười”.

Khởi nghiệp lần 2

Thông tốt nghiệp ngành thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp và trở thành design cho hãng Dcar Limousine của Việt Nam, kiêm Phó giám đốc sản xuất. Tốc độ thăng tiến một đường thẳng đứng với mức thu nhập trong mơ khiến Thông sớm gánh áp lực của một người thành công sớm. Hai năm sau, bị tai nạn xe máy, gần như liệt nửa người, Thông nhân đó bỏ nghề.

Bỏ thiết kế ô tô sang thời trang thổ cẩm ảnh 1 Thông tìm đến nhiều người nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên để tìm hiểu cách khôi phục nghề dệt, trong ảnh anh đứng cạnh nhà văn Nguyên Ngọc
Trước đó, khi còn là sinh viên, Thông đã say mê đồ thổ cẩm. Những khăn, túi của anh mang từ quê nhà Kon Tum xuống Sài Gòn được bạn bè hâm mộ và đặt hàng. Thông trở thành một kênh phân phối thổ cẩm dệt tay và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Nghe con trai nói chuyện bỏ hết chức vụ, lương cao để đi làm đồ dệt may thổ cẩm, bố mẹ anh đều phản đối kịch liệt.

Lý do bỏ việc không phải bởi Thông đã hết yêu xe cộ máy móc, đơn giản vì anh nhận ra vòng cuốn công việc đã chiếm hết quỹ thời gian cá nhân. Ngày làm việc hơn 10 giờ đồng hồ, hàng đêm, một mình chạy xe từ chỗ làm về nhà, Thông kể: chỉ còn mỏi mệt! Sức khỏe sau tai nạn suy giảm, và mặc dù Ban giám đốc không duyệt đơn từ chức, chàng trai hai bảy tuổi vẫn quyết định làm lại một công việc khác hẳn.

Khởi nghiệp lần hai ở lĩnh vực “chỉ toàn đàn bà con gái” khiến Thông gặp không ít khó khăn. Anh tìm về tận bản làng của người Bahnar, động viên nghệ nhân, đặt hàng và tìm nguồn nguyên liệu để họ dệt ra những tấm vải 100% thủ công. Nghề dệt bị mai một, người thạo nghề không còn nhiều, ngay cả khung cửi cũng hiếm... Thông vẫn cho mình ba năm để thử nghiệm như lời anh hứa với gia đình.

Một đường từ Đà  Nẵng, vào Sài Gòn, lại quay ra Hà Nội, như đuổi nhau - tôi mới gặp được Thông Bahnar (nick của anh). Thông kể, anh vừa lên Tây Bắc tìm bông. Nguyên liệu là một bài toán khó trong thời điểm hiện tại với những người theo đuổi dòng thời trang sinh thái. Vì lý do kinh tế, hầu hết các buôn làng ở Tây Nguyên đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như khoai mì, bắp, đậu, cây thuốc lá... Nguồn bông vải trước đã hiếm nay còn khó tìm hơn. Có những giai đoạn thợ dệt phải nghỉ việc vì không có nguyên liệu. Thông bôn ba trong Nam ngoài Bắc gom từng cân bông để duy trì sản xuất.

Để chủ động nguyên liệu, anh đã nhờ người trồng thử bông ở Kon Tum. “Nhưng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi phải sang năm bông mới có thể thu hoạch và còn không dám chắc nó có ra bông được không”, Thông chia sẻ.

Gian nan khôi phục nghề dệt

Sau bảy năm lăn lộn với thổ cẩm, hiện Thông gây dựng được một nhóm thợ dệt lành nghề khoảng 15 người rải rác ở nhiều làng. Chủ yếu là những người già, người trẻ nhất 55 tuổi, người lớn nhất đã hơn 80 tuổi. Anh cho biết: “Vấn đề cấp bách là phải gấp rút đào tạo lớp trẻ kế cận. Trong làng, không tìm thấy người trẻ biết dệt thổ cẩm. Hàng may sẵn và lối sống hướng ngoại của giới trẻ khiến không ai còn thiết tha với nghề truyền thống. Trong làng chỉ còn những người già mất sức lao động mới chọn cách qua ngày bên khung cửi. Họ dệt cho con cháu may đồ, nhưng những đồ này cũng không được mặc thường xuyên mà chỉ diện vào những ngày lễ, Tết”.

Toàn bộ màu nhuộm các sản phẩm của Thông Bahnar hiện nay đều là màu tự nhiên từ lá, hoa, vỏ, rễ cây và đất đỏ, bùn đen...

Mất nhiều năm vận động, hiện nhóm của Thông có 5 cô gái trẻ tham gia học dệt. Để khuyến khích họ, anh cam đoan: tất cả mọi sản phẩm làm ra (dù xấu) cũng đều được thu mua. Số vải ấy hiện đã chất đầy hòm ở xưởng dưới Sài Gòn. Và bởi vì nguyên liệu bông không dễ tìm, mọi góc thổ cẩm đều được tận dụng vào trang trí áo dài, làm đồ decor, túi, ví... Đích thân ông chủ Thông Bahnar là người vẽ mẫu. “Một con đường khùng điên lắm, từ thiết kế ô tô sang thiết kế áo quần, nhiều lúc cũng không hiểu chính mình đang làm gì. Tháng nào cũng một nửa thời gian ở Sài Gòn, một nửa ở Kon Tum, đi về liên tục, thời gian làm việc thậm chí nhiều hơn thời gian còn làm ở nhà máy ô tô, nhưng vui hơn”, Thông tổng kết.

Toàn bộ màu nhuộm các sản phẩm của Thông Bahnar hiện nay đều là màu tự nhiên từ lá, hoa, vỏ, rễ cây và đất đỏ, bùn đen... Trước Thông có một vài người thích thổ cẩm cũng đã về làng đặt nghệ nhân dệt. Nhưng để hợp với xu hướng thời trang, họ hướng dẫn người làng dùng màu công nghiệp. Thông mất hai năm thuyết phục để khôi phục lại thói quen nhuộm cổ xưa không dùng hóa chất của người Bahnar.

Trong cái túi ba gang theo Thông đi khắp nơi luôn có: máy ảnh, một áo dài thổ cẩm và một khăn thổ cẩm. Ra Hà Nội gấp rút, Thông cũng bị lôi kéo đến một talk show về áo dài và trở thành khách mời nam duy nhất tham gia nói chuyện. “Tôi gặp trường hợp này nhiều, nên đi đâu cũng mang theo đạo cụ để cần là có cái dùng. Tôi rất tự tin mặc đồ của mình để giới thiệu với mọi người. Đồ thủ công của Việt Nam rất đẹp, rất độc đáo. Có thể là vì Bụt chùa nhà không thiêng chứ rất nhiều khách ngoại quốc mê thổ cẩm Việt Nam và đặt hàng mà Thông Bahnar không đủ để bán”.

Làm mới và ưu tiên thị trường nội địa

Khách hàng mục tiêu của Thông Bahnar là những người trẻ. Anh cho rằng: người trẻ thích sự độc đáo, không đụng hàng, thổ cẩm rất phù hợp với yêu cầu ấy. Bản thân một tấm vải dệt đã là độc nhất vô nhị, vì nó được làm thủ công, luôn có sai số. Làm thế nào để người trẻ thích và không cảm thấy “quê mùa”, dị... khi dùng sản phẩm truyền thống là mục tiêu nghiên cứu của thương hiệu Thông Bahnar. Thổ cẩm Bahnar chỉ là bước đầu tiên trong quá trình khôi phục những làng nghề dệt truyền thống mà Thông gọi là “đi tìm kho báu vùng miền”. Hiện tại Huỳnh Nguyên Thông đã thử nghiệm sang cả vải dệt của dân tộc Ê đê và tương lai là các dân tộc Xê Đăng, Giẻ Triêng v.v...

Sản phẩm dệt may của Thông Bahnar hiện nay đang ở tình trạng cung không đủ cầu. Anh đã cắt hết những hợp đồng cung ứng ra nước ngoài trước đó như Pháp, Canada, Úc... bởi “khách hàng trong nước và khôi phục thói quen dùng đồ truyền thống mới là mục tiêu của chúng tôi”.

Để thổ cẩm sinh sắc hơn, Thông kết hợp với những kỹ sư hoá học để giữ kỹ thuật nhuộm tự nhiên, và tìm thêm nhiều màu sắc mới bằng cách phối, pha các màu với nhau. Người Bahnar hiện nay không biết cách làm này, họ chỉ dùng màu gốc, bởi thế màu sắc không đa dạng, ít lựa chọn. Đối với hoa văn, bản thân là người tạo dáng mỹ thuật, Thông đã mày mò và tạo ra rất nhiều hoa văn mới dựa trên những mẫu gốc. “Hoa văn trang trí của người Bahnar đều lấy từ những thứ gần gũi với cuộc sống: từ hoa lá, chim chóc, sâu bọ... Khi tạo ra một hoa văn mới, tôi đưa cho người già xem trước. Cái nào họ bảo: thứ này tao biết! thì dùng. Những “thứ tao biết” đó phần lớn là hoa lá, cây cối được cách điệu hoặc tạo hiệu ứng 3D cho màu nổi bắt mắt người xem. Hiện nay, kho hoa văn mẫu của Thông Bahnar đã phong phú hơn nhiều”. Thông chia sẻ.

Việc Thông bôn ba khắp nơi, ngoài tìm nguyên liệu, cũng là để tìm đầu ra cho sản phẩm. Rất nhiều lần bị từ chối vì “hàng thổ cẩm của Trung Quốc, giá rất rẻ và dễ bán” nhưng Thông không nản. “Hiện nay lượng khách ở Sài Gòn của Thông Bahnar đã tương đối ổn định. Tôi cũng đã có ba nơi hợp tác để nhập sản phẩm: làng Cù Lần ở Đà Lạt, một chị ở hợp tác xã chuyên về lụa và thủ công mỹ nghệ, biết tin và gọi điện giúp tôi tiêu thụ mặt hàng này ở dạng bóp ví túi xách. Thêm một khách tương đối đặc biệt là cô Takashi Rika người Nhật, vốn là khách hàng mua áo dài để mặc Tết, sau đó cô nhờ tôi sản xuất drap giường, áo gối toàn thổ cẩm”.

Làm thời trang thổ cẩm nghèo nhưng vui

Vì thổ cẩm, Thông hầu như “trên từng cây số”. Ở đâu nghe nói có người biết nhiều về Tây Nguyên, anh đều tìm đến xin tư liệu. Nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Đoàn Huy Giao ở Đà Nẵng... Thông đều cất công lặn lội tìm gặp để được nghe kể, để hiểu thêm về Tây Nguyên “tưởng biết mà vẫn chưa biết”.

Thông kể: “Thực ra lượng công việc và số lần di chuyển bây giờ nhiều hơn hồi tôi làm thiết kế xe hơi, nhưng không thấy mệt. Thổ cẩm khiến tôi phải lặn lội đường xa, cũng vì thế gặp được nhiều người cùng tâm huyết. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cân bông, từng nắm hạt giống và mục tiêu không chạy theo sản lượng”.

Chủ trương của Thông là làm ra sản phẩm tự nhiên và thủ công nhưng không bán giá cao, bộ áo dài thổ cẩm của anh trung bình chừng 2 triệu đồng. Để phổ cập cho người bình dân, không phải hướng đến người có tiền. Làm kỹ, giá rẻ, cho nên nhiều giai đoạn Thông vẫn phải bù lỗ bằng xưởng da thủ công. “Ít tiền nhưng vui, tôi thấy thế là đủ”!

Sắp tới, Thông sẽ mở rộng sản phẩm bằng cách áp dụng chế độ dệt tay với sợi tơ tằm, sợi lanh, đũi... trang trí bằng họa tiết Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.