Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học?

Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học?
GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trao đổi về Đề án tổng thể đổi mới công tác thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học? ảnh 1
Học sinh ôn bài trước giờ vào thi tốt nghiệp THPT 2007 - Ảnh: Nhựt Quang (Thanh Niên).

Theo GS Đào Trọng Thi, chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH là rất đúng đắn vì rõ ràng có sự bức xúc lớn trong xã hội do chất lượng các kỳ thi còn có nhiều vấn đề, độ an toàn chưa cao, tạo ra một không khí quá căng thẳng và gây tốn kém quá nhiều trong xã hội.

Tuy nhiên, theo GS Thi thì: "Khi đặt vấn đề giải quyết bức xúc trên như thế nào thì Bộ GD-ĐT đã có một quy trình ngược. Đổi mới các kỳ thi thì đâu phải bắt buộc chỉ có một con đường là thống nhất 2 kỳ thi. Cách làm như thế là chưa có cơ sở khoa học và không thể chấp nhận được".

GS cho rằng quy trình của Bộ GD-ĐT bị ngược, vậy thì "chiều xuôi" của nó là như thế nào?

Tại thời điểm này vẫn tồn tại độc lập 2 kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Mỗi kỳ thi có mục tiêu riêng biệt để đánh giá chính xác yêu cầu của kỳ thi, chọn được những người xứng đáng nhất vượt qua kỳ thi; còn những mục tiêu khác như giảm tải, chống gian lận, chống tiêu cực..., nói cho cùng cũng chỉ nên xem đó là mục tiêu phụ, là điều kiện thêm để thực hiện mục tiêu chính.

Có thể có những phương án tổ chức như:

1- Tổ chức 2 kỳ thi riêng, đổi mới từng kỳ thi một sao cho 2 mục tiêu cùng tốt hơn;

2- Tập trung cho kỳ thi ĐH, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT giống như đã từng bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và tốt nghiệp THCS, thay vào đó là xét tuyển kết quả học tập;

3- Tổ chức 1 kỳ thi mà làm được cả hai mục đích. Bộ GD-ĐT đang chọn phương án này, nhưng thật ra chưa có một đề án khả thi.

Dựa trên đề án của Bộ GD-ĐT đã lựa chọn, GS có những góp ý gì?

Đánh giá tốt nghiệp THPT là một nhiệm vụ không phức tạp lắm, có thể xét dựa trên kết quả học tập năm cuối cấp, hoặc do từng địa phương tổ chức thi riêng theo chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, tôi có ý kiến khác với đề án của Bộ GD-ĐT: nếu phải bỏ một kỳ thi chung toàn quốc thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT chứ không phải bỏ kỳ thi vào ĐH.

Đề án nêu phương án ra đề với 70% số điểm ứng với nội dung theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT (câu hỏi dễ) và 30% câu hỏi khó hơn là có ý nghiêng về những học sinh có trình độ trung bình, đem số điểm đạt được từ kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH là không hợp lý.

Để xét tuyển vào ĐH, tôi đề nghị chỉ dùng những câu khó để tính điểm, hoặc nếu tính cả câu dễ thì các câu hỏi khó phải có hệ số cao hơn nhiều. Do vậy, trong đề thi chung phải phân biệt rõ câu hỏi dễ và câu hỏi khó để thí sinh được quyền chọn lựa khi làm bài theo mục tiêu riêng của mình (ưu tiên cho việc tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH).

Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học? ảnh 2
GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ảnh: Thanh Niên.

Cũng có thể xem kỳ thi chung là "vòng sơ tuyển" để chỉ xét tuyển tốt nghiệp THPT và như thế kỳ thi chung đã "hoàn thành nhiệm vụ". Sau đó, cần mạnh dạn chọn điểm sàn xét tuyển ĐH thật cao, có thể là từ điểm 7/10 hoặc 8/10 trở lên để chọn học sinh khá giỏi đủ điều kiện xét vào ĐH (so với điểm 5/10 để xét tốt nghiệp THPT).

Nếu chọn điểm sàn xét tuyển vào ĐH cao, các trường sẽ có điều kiện xét tuyển chính xác hơn với số lượng thí sinh không quá đông. Lúc đó, các trường chỉ cần tổ chức kiểm tra một môn trọng tâm vào từng ngành, chẳng hạn vào ngành Toán thì chỉ kiểm tra môn Toán thay vì kiểm tra cả 3 môn Toán, Lý, Hóa (khối A) như hiện nay.

Dù sao, đây cũng chỉ là phương án tạm thời áp dụng trong một thời gian ngắn, còn về lâu dài, kỳ thi ĐH nên giao cho các trường ĐH tự tổ chức, Bộ GD-ĐT chỉ nên "can thiệp" ở những trường chưa đủ điều kiện tự chủ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Đề án chưa rõ ràng, còn bất cập

Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học? ảnh 3

Bà Dương Thị Trúc Bạch - Ảnh: B.Thanh (Thanh Niên).

"Trên thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới thực hiện nghiêm túc và chống tiêu cực có 1 năm, liệu chúng ta đã tin tưởng hoàn toàn rằng kết quả những năm sau là khách quan hết chưa?

Nói thật, một kỳ thi dù đề thi có khó cỡ nào mà khâu coi thi lỏng lẻo thì cũng vô nghĩa. Và như vậy nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH thì có công bằng không?

Xét về khía cạnh đề thi, thực ra nội dung đề án của Bộ GD-ĐT chưa rõ ràng. Phương án 70% số điểm ứng với nội dung theo chuẩn kiến thức THPT và 30% câu hỏi khó để xét tuyển ĐH cho thấy sự bất cập. Trong khi thi tốt nghiệp 6 môn, thi ĐH có 3 môn vậy lấy điểm như thế nào cho hợp lý, đó là chưa kể vấn đề của học sinh theo chương trình phân ban...

Theo tôi, để giảm tải cho học sinh, cách tốt nhất là chúng ta có thể xét tốt nghiệp THPT và vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH. Nếu các trường ĐH được quyền tự chủ trong tuyển sinh thì đảm bảo họ sẽ chọn đúng đối tượng và đảm bảo chất lượng".

Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM

Theo Nhựt Quang - B.Thanh
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.