Bỏ Tết Mông khó như bỏ Tết Nguyên đán

Ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán ở bản Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: Lê Bích.
Ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán ở bản Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: Lê Bích.
TP - Ngày mùng 1 Tết Mông năm nay rơi vào 17 tháng 1 dương lịch. Nhóm AHD (Action for Hmong Development) - Hành động vì sự phát triển của cộng đồng người Mông đã cùng bạn bè chia sẻ  kiến thức thú vị về phong tục ngày tết của dân tộc mình. Nhân dịp này, một nhóm thành viên AHD đã đến Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình ) để tìm gặp hương vị “nguy cơ bị lãng quên” của Tết Mông xưa.

Người Mông tính lịch theo chu kỳ trăng và  vụ mùa nên ngày mùng 1 Tết Mông không cố định, mỗi năm có thể xê dịch rơi vào khoảng tháng 12 dương lịch. Đây là lúc bà con thu hoạch xong vụ mùa, các gia đình thay ban thờ cúng thần, tổ tiên, tạ ơn cha mẹ, thăm hỏi người thân và chơi hội. Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Mông và thường kéo dài trong khoảng 20 ngày gồm cả phần hội và phần lễ diễn ra đan xen nhau.

Những năm gần đây, ở một số tỉnh có cuộc “vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết”, hầu hết đồng bào Mông ở các thôn, bản, tỉnh trên cả nước đều tổ chức “ăn chung một Tết Nguyên đán”. Tuy nhiên tại nhiều nơi,  cộng đồng Mông vẫn tổ chức một số thủ tục (phần lễ) vào đúng lịch Tết Mông, sau đó đến Tết Nguyên đán, bà con sẽ tập trung nhiều hơn vào phần hội.

Bỏ Tết Mông khó như bỏ Tết Nguyên đán ảnh 1 Các thành viên AHD.

Bỏ Tết Mông khó như bỏ Tết Nguyên đán

Trong ba mùa Tết Mông gần đây, nhóm AHD đều tổ chức tọa đàm những chủ đề liên quan đến văn hóa Mông và Tết Mông như “Ma thần trong lễ tết Mông”; “Tết cổ truyền là lạc hậu hay hiện đại?”... Nhân dịp dư luận xã hội đang rộ đề tài tranh luận “Có nên bỏ Tết ta?” hoặc “Nên gộp Tết dương và Tết Nguyên đán để chống lãng phí?”, trưởng nhóm AHD  Khang A Tủa đưa ra so sánh “Đa số người dân không đồng ý bỏ Tết Nguyên đán, mặc dù cách tổ chức ăn Tết hiện nay có nhiều vấn đề. Hoặc nếu nhà nước bỗng cho gộp Tết tây và Tết ta thì hầu hết người Việt vẫn lẳng lặng cúng giao thừa (lịch âm) và đi thăm hỏi gặp mặt nhau vào ngày mùng 1, 2, 3 giống cộng đồng người Mông đang làm như hiện nay”.

Người Việt đón Tết Nguyên đán theo lịch âm, người Mông đón Tết theo lịch nông nghiệp, cùng là lúc có tiết trời xuân và trạng thái sinh học phù hợp với tâm trạng nghỉ ngơi, làm việc lễ nghĩa. Đón Tết chung cùng cả nước, học sinh và người Mông xa quê mới có cùng đợt nghỉ dài để về nhà ăn Tết. Đó là điểm tích cực tuy nhiên có một số hoạt động và phong tục bị ghép vào dồn dập khi người Mông ăn Tết muộn hơn một tháng so với họ trước kia, Khang A Tủa chia sẻ. Tết Mông rơi đúng vào dịp nông nhàn nên bà con thư thái tinh thần hơn. Theo phong tục, các đám cưới đều được tổ chức vào dịp  từ mùng 2 đến 15 Tết Mông, cũng là dịp chơi hội. Tết Nguyên đán theo lịch Mông thường rơi vào dịp bà con ra đồng cấy lúa, gieo trồng vụ mới. Có nhiều gia đình phải vừa làm các loại lễ theo phong tục từ ngày 30, mùng 2 tổ chức cưới cho con, mùng 3 phải ra đồng cấy cho kịp. Hồi xưa, người tham các trò chơi xuân như ném pao, đánh yến, đánh tù lu với tâm trạng xả hơi thoái mái vì “đúng vụ nghỉ”, còn bây giờ một số nhà phải cắt cử người ra đồng, chia ca để chơi xuân.

Giữ Tết là giữ điều khác biệt

Hạng Súa, một thành viên của AHD kể người Mông ở Tủa Chùa (Điện Biên) quê anh đã nhiều năm đón Tết Nguyên đán nhưng mọi thủ tục vẫn tuân theo phong tục Tết Mông. Các gia đình mổ lợn trước đó vài ngày, mang một phần thịt đi biếu ông bà họ hàng và những nhà gặp khó khăn.

Người Mông có những phong tục độc đáo không hề bị tiết giảm kể cả khi họ đã chuyển lịch ăn Tết chung như: Trước tết gia chủ làm sạch nhà tượng trưng bằng cách quét với ba cây tre tươi và nhiều hạt ngô màu đỏ; Mỗi nhà giã một chiếc bánh dày lớn làm “sân chơi” cho các thần linh; Ngày mùng 1, phụ nữ được nghỉ ngơi hoàn toàn, đàn ông phải làm mọi việc trong nhà.

Vào ngày 17 tháng 1 (mùng 1 Tết Mông) vừa qua, AHD có dịp du xuân tại Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Giàng A Bê, thành viên nhóm chia sẻ “mình hơi buồn vì không thấy không khí xuân hay Tết lắm”. Khang A Tủa để ý “Dòng họ Hàng, Mùa, Sùng,... ở Mai Châu không làm lễ pe tsab (tạ tết) nữa, cũng ăn Tết khác nhiều so với những gì tôi biết ở Mù Cang Chải quê tôi, dù những người Mông ở đây và những người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu có truyền thống khá tương đồng”. Trưởng nhóm AHD bày tỏ lo lắng về những điều làm nên sự khác biệt của người Mông với dân tộc khác dần dần bị biến mất.

Những chia sẻ của AHD về việc gìn giữ phong tục độc đáo và ủng hộ người Mông đón Tết Mông trước dịp  Tết chung đã nhận được ủng hộ từ cộng đồng giới trẻ người Mông.

Những gì khác biệt thì làm nên bản sắc văn hóa

Nghiên cứu về các tập tục của đồng bào dân tộc Mông, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận xét: “Phong tục nào cũng có nguồn gốc của nó. Những gì khác biệt thì làm nên bản sắc văn hóa”. Với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, cuối năm 2015, Tết Nào-pê-chầu, Tết cổ truyền của người Mông đen ở Điện Biên đã được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù là người Mông ở địa phương nào, dù là đón Tết trước hay chung với Tết Nguyên đán thì những ngày này với người Mông vẫn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.