Bó tay truy xuất chất cấm

Phát hiện một công ty sử dụng chất Salbutamol bán cho cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Ngô Bình.
Phát hiện một công ty sử dụng chất Salbutamol bán cho cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Đã có hàng trăm mẫu chất cấm “siêu nạc” được phát hiện ở “thủ phủ lợn” Đông Nam bộ nhưng đến nay truy xuất chất này từ đâu cơ quan chức năng vẫn bó tay. Trong khi hằng ngày, người tiêu dùng ăn phải chất độc hại này mà không biết.

Một cơ sở 2 năm nhập 3 tấn Salbutamol

9 tấn Salbutamol là Bộ Y tế nói cho phép nhập về trong điều trị bệnh chỉ là con số chính danh, hàng chục tấn khác được các công ty nhập về nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. Cuối năm 2015 khi Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an ập vào hai cơ sở giết mổ gia súc có tên Út Hảo và Tân Bình ở tỉnh Bình Dương, phát hiện hàng trăm con lợn đang ngậm chất cấm Salbutamol chuẩn bị đưa đi giết mổ.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện 5 trong tổng số 10 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, đặc biệt là có trường hợp lợn vừa được sử dụng salbutamol xong đã đưa ngay vào giết mổ, khiến tỉ lệ Salbutamol có trong sản phẩm vượt hơn 171 lần ngưỡng cho phép. Chủ hai cơ sở này thừa nhận sau khi thu mua lợn từ các trang trại ở Đồng Nai và Bình Dương về “bồi dưỡng” chất cấm xong rồi giết mổ. Mỗi ngày cả hai cơ sở này làm thịt khoảng 400 con lợn.

Tháng 12/2015, lực lượng chức năng phát hiện tại Công ty TNHH Minh Anh trụ sở ở tỉnh Bình Dương đã sử dụng Salbutamol đậm đặc tới 98% bán cho Công ty Sea Bird, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh này. Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng chứa Salbutamol 98% dạng nguyên chất ở Công ty Sea Bird trọng lượng 25kg đang dùng dở, trong đó có 7,5kg đã được sử dụng, nguồn cung cấp, nhập khẩu phân phối của Công ty Minh Anh. Chủ cơ sở Minh Anh khai trong năm 2014 và 2015 đã nhập  hơn 3 tấn Salbutamol từ Ấn Độ, sau đó bán cho một số công ty khác.

Hàng chục kilogam chất cấm cũng vừa được C49 phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT triệt phá tại TPHCM cho thấy thị trường mua bán chất này vẫn diễn ra âm thầm. Trưa ngày 8/1, Võ Văn Thanh, 26 tuổi, quê Tiền Giang đang mua 2kg Salbutamol của Trần Văn Bùi, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Sản E-Birds trụ sở quận Bình Thạnh, TPHCM để chuyển qua quận 5 giao cho khách hàng thì bị lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang. Tại trụ sở Công ty E-Birds, cơ quan chức năng còn phát hiện một thùng phuy chứa 25kg Sabutamol, ghi xuất xứ Ấn Độ. Bùi cho biết, mua thùng 25 kg Salbutamol với giá 5 triệu đồng/kg và đã bán được 7,5 kg với giá 6 triệu đồng/kg cho nhiều cơ sở chăn nuôi và kinh doanh thức ăn gia súc.

Khó truy xuất nguồn gốc

Với tổng đàn gần 1,6 triệu con, Đồng Nai được cho đứng đầu cả nước về sản lượng lợn. Năm 2012, cú sốc lớn đến với “thủ phủ lợn” này khi lần đầu tiên người ta phát hiện ra chất tạo nạc được sử dụng trong đàn lợn ở các trang trại nuôi lợn quy mô, cả ngành chăn nuôi Đồng Nai lao đao.

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Đồng Nai thừa nhận kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm tương đối cao. Lý do người chăn nuôi sử dụng lén lút chất này, theo ông Báu do thương lái mua lợn sử dụng chất cấm giá cao hơn so với lợn nuôi bình thường. “Nguồn Salbutamol làm thuốc chữa bệnh cho người và nguồn Salbutamol nhập khẩu vào Việt Nam không được quản lý tốt”- ông Báu nói thêm về nguyên nhân tại sao lợn vẫn “ngậm” chất cấm. 

“Chúng tôi bó tay về truy xuất nguồn gốc”- ông Trần Văn Quang-  Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai thừa nhận và nói thêm: “Dù phát hiện các hộ chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm, thú y cũng dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Còn việc truy xuất nguồn gốc thì phải chuyển qua công an”. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp truy xuất nguồn gốc đều bế tắc, khi người vi phạm không thừa nhận sử dụng chất cấm.

MỚI - NÓNG