Bổ sung quy định người lao động kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bổ sung một số quy định đặc thù áp dụng với doanh nghiệp nhà nước như các nội dung công khai tại doanh nghiệp nhà nước; hình thức người lao động giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Sáng 27/5, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình trước Quốc hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo bà Trà, dự thảo luật có nhiều điểm mới về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị và tại doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.

Bổ sung quy định người lao động kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Cụ thể, là bàn và quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do cộng đồng dân cư đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; lập, thu, chi các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các khoản khác từ nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư.

“Nhân dân cũng bàn và quyết định bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng…

Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình là công dân Việt Nam đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn thôn, tổ dân phố, từ đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày lập danh sách cử tri, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có quyền bàn và quyết định các nội dung”, Bộ trưởng thông tin.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương.

Cùng với đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau.

“Làm rõ cơ chế xử lý các nội dung chưa thống nhất trong quyết định của các cộng đồng dân cư khác nhau tại một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã khi cùng quyết định về một vấn đề có tác động, ảnh hưởng chung như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông liên thôn…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.

Điểm mới đáng chú ý khác, dự thảo dành một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Trong đó, quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp; về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp như được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp.

Đồng thời, bổ sung một số quy định đặc thù áp dụng với doanh nghiệp nhà nước như: các nội dung công khai tại doanh nghiệp nhà nước; hình thức người lao động giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Vấn đề này nhận được sự tán thành của đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật vì sẽ tạo cơ chế, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị luật này chỉ nên quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Bởi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nói chung được xác lập trên cơ sở quan hệ lao động với nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau thông qua hợp đồng lao động, hợp đồng thuê mướn nhân công, khoán việc. Cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, xung đột được thực hiện thông qua việc đối thoại, hòa giải, thương lượng, trọng tài.

Các nội dung này đang được quy định tại Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn và thực tế chưa có vướng mắc. Do đó, nếu quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo luật thì vừa chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).