Bỏ quy hoạch lễ hội, siết bằng nghị định

Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL sớm hoàn thành Nghị định quản lý lễ hội. Ảnh: Toan Toan
Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL sớm hoàn thành Nghị định quản lý lễ hội. Ảnh: Toan Toan
TP - LTS. Trong hơn 7.000 lễ hội mỗi năm, hơn 80% là lễ hội dân gian vốn là hội làng truyền thống. Tuy nhiên không ít lễ hội ngày càng có dấu hiệu thương mại hóa, trục lợi. Đề án quy hoạch lễ hội bất thành, người dân trông chờ Nghị định về tổ chức và quản lý lễ hội sắp tới góp phần chấn chỉnh mặt trái của lễ hội.

Bài 1: Bỏ quy hoạch tổng thể, siết bằng Nghị định

Gần chục năm nay các nhà quản lý, tổ chức lễ hội đều trông chờ ở đề án quy hoạch tổng thể lễ hội đến năm 2020, tuy nhiên đến nay đề án ấy chính thức bị khép lại.

Còn nhớ năm 2012, các nhà quản lý khấp khởi hy vọng đưa lễ hội vào quy chuẩn nhờ đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Khi ấy, Bộ VHTTDL hội thảo lấy ý kiến tại hai miền, trong đó cuộc họp ở Hải Dương nhận được nhiều sự ủng hộ và kỳ vọng. Kinh nghiệm quy hoạch lễ hội của tỉnh Hải Dương khá thành công tạo cảm hứng cho các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương trong quyết tâm xây dựng quy hoạch lễ hội.

Bất khả thi

Những người thực hiện quy hoạch từng tham vọng đặt ra quy định khung hướng dẫn địa phương triển khai quy hoạch riêng phù hợp với đặc thù riêng. Năm 2014, ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở trao đổi với Tiền Phong về mong muốn được Thủ tướng phê duyệt đề án nhằm “xác định lại quy mô, tần suất và phân cấp đối với công tác tổ chức lễ hội”. Tưởng đề án này xong xuôi cuối năm 2013 để trình Chính phủ nhưng đành đình lại vì nhiều vướng mắc, nhất là trong tiêu chí phân loại lễ hội và chờ lấy thêm ý kiến.

Theo ý tưởng ban đầu, lễ hội được phân thành các nhóm như: còn nguyên trạng ít thay đổi, nhóm được bảo tồn, phục dựng tổ chức sau nhiều năm gián  đoạn, nhóm lễ hội có nguy cơ thất truyền, mai một cần phục dựng. Sau khi phân kỳ thực hiện, giai đoạn 2015-2020, toàn bộ lễ hội còn nguyên trạng, ít thay đổi được tổ chức thường xuyên và ổn định về lượng khách, cơ sở vật chất và dịch vụ. Toàn bộ lễ hội có khả năng phục hồi, phục dựng được hiện thực hóa, trong đó một nửa số này được tổ chức thường xuyên theo định kỳ. Với các lễ hội có thể phục dựng được phải hoàn thành hồ sơ quy hoạch chi tiết.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, “các vấn đề có tính chất như lễ hội không thuộc phạm vi quy hoạch, phải xây dựng bằng hình thức văn bản khác”. Cuối năm 2016, Bộ có quyết định thành lập tổ công tác lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động lễ hội - một công cụ có tính pháp lý để quản lý lễ hội trong tương lai.

Trông chờ Nghị định

Luật Quy hoạch 2016 không đưa lễ hội vào danh sách đối tượng được quy hoạch. Trong danh mục quy hoạch quốc gia do Bộ VHTTDL thực hiện chỉ có “Quy hoạch hệ thống các khu du lịch quốc gia”, “Quy hoạch thiết chế văn hóa và thể thao quốc gia”. Trong suốt những năm theo đuổi bản đề án quy hoạch lễ hội, các cán bộ văn hóa nhiều lần than khó, bởi lễ hội “không thuộc lĩnh vực định tính”. Nay chỉ đạo mới của Chính phủ mở ra con đường cho các nhà quản lý văn hóa, nhằm chấn chỉnh lễ hội bằng Nghị định đầu tiên về lễ hội.

“Nghị định lễ hội sắp tới dựa trên cơ sở kế thừa Nghị định 103/2009/NĐ-CP Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và Thông tư 15/2015 của Bộ VHTTDL Quy định về tổ chức lễ hội. Trong đó một số nội dung trong Thông tư 15 sẽ được đưa vào Nghị định, bổ sung những nội dung chưa được quy định trong bất cứ văn bản nào”, bà Thủy nói. Được biết Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương hoàn thiện Nghị định này, dự kiến xong trong năm 2017. Thực tế, Thông tư 15 của Bộ cũng quy định rõ không tổ chức các lễ hội có yếu tố phản cảm, bạo lực và các tiêu chí tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh.

Nghị định ra đời liệu có giảm được số lượng lễ hội? “Lễ hội là hoạt động văn hóa của cộng đồng, trong hơn 7.000 lễ hội, chủ yếu là lễ hội dân gian. Không thể bắt làng này có lễ hội, làng kia không, hoặc ba bốn làng mới có một lễ hội. Để hoạt động lễ hội đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng tâm linh lành mạnh của cộng đồng, phải có quy định các điều kiện cụ thể để địa phương tổ chức theo quy định”, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở nói. Thực tế, trong hơn 7.000 lễ hội, có không ít lễ hội không được tổ chức hoặc thất truyền, có những lễ hội giảm tần suất 3 năm, 5 năm làm một lần. “Nghị định này hướng tới tổ chức lễ hội theo tiêu chí giảm tần suất, giảm quy mô, tránh phô trương, lãng phí. Đó cũng là chỉ đạo chung của Chính phủ”, bà Thủy nói thêm.

__________________

(Còn nữa)

Bà Trịnh Thị Thủy, Tổ trưởng tổ soạn thảo đề nghị xây dựng Nghị định quản lý lễ hội, nói, Nghị định lễ hội phải lường trước xu thế “tránh phát sinh biến tướng rồi mới chạy theo”. Theo đó Nghị định có chế tài cụ thể quy định hình thức xử lý vi phạm. “Bộ đã phân cấp quản lý lễ hội, địa phương nào buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình không tôn trọng quy định, tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân để trục lợi, thương mại hóa lễ hội thì sẽ bị xử lý”, bà Thủy nói.

MỚI - NÓNG