Bỏ phao xét tuyển vào lớp 10: Trả lại đúng bản chất học nghề

Bỏ phao xét tuyển vào lớp 10: Trả lại đúng bản chất học nghề
TPO - Mục đích ban đầu của học nghề ở phổ thông là để phân luồng và hướng nghiệp nhưng trên thực tế, học sinh tham gia học nghề chỉ để cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10.

“Dễ người thì dễ ta”

Thầy Trương Công Sơn - Hiệu trưởng trường THCS Trần Đại Nghĩa (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nhận xét: Hầu hết trong tuyển sinh vào lớp 10, học sinh đều được cộng 1 hoặc 1,5 điểm ưu tiên từ học nghề nên kết quả là như nhau vì “dễ người thì dễ ta”.

Tâm lý chung của cả phụ huynh và học sinh là chọn đăng ký theo học những nghề như tin học vì vừa dễ có điểm cao vừa không tốn tiền mua vật mẫu như nghề nấu ăn, nghề điện. Tất cả học sinh THCS đều đi học nghề với mục tiêu được cộng điểm ưu tiên nên thành ra đẩy mặt bằng điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 cao lên chứ không có sự khác biệt gì lớn.

Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng trường THPT Tôn Thất Tùng (TP. Đà Nẵng) thì cho rằng, khi tuyển sinh đầu vào, các trường THPT sẽ quan tâm đến chỉ số đánh giá chất lượng nên kết quả từ những kỳ thi như thi học sinh giỏi, thi sáng tạo kỹ thuật… sẽ giúp nhà trường biết được mũi nhọn hoặc các năng khiếu của học sinh để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo.

Còn học nghề, với một bộ phận học sinh chỉ là cái “phao” để tham gia xét tuyển vào lớp 10. Và một khi chất lượng của việc dạy nghề và học nghề chưa thực chất thì cộng điểm khuyến khích từ kết quả thi nghề phổ thông cũng chỉ là hình thức mà không mang nhiều ý nghĩa cho việc tuyển đầu vào.

Ông Phan Minh Anh Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí và CNTT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng thừa nhận, với chế độ cộng điểm khuyến khích như hiện nay, việc dạy nghề phổ thông không còn đúng với bản chất hướng nghiệp nữa mà đã có sự biến tướng. Giáo viên và học sinh dạy - học với mục đích thi chứ không phải định hướng nghề nghiệp. Các em đi học không phải vì mình có năng khiếu hay yêu thích một nghề cụ thể nào đó mà chỉ phấn đấu đạt bằng khá, giỏi để tăng thêm điểm cộng.  

Tiếp tục cắt giảm những cuộc thi mang tính phong trào

Gắn việc bỏ quy định cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT với việc rà soát, cắt giảm các cuộc thi, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Năm học 2017 - 2018, ngoài rà soát để giảm ít nhất là 50% các cuộc thi mang tính chất phong trào, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh.

Ngoài những cuộc thi mà Bộ GD&ĐT không còn tổ chức thì những cuộc thi mang tính phong trào còn lại, Sở nghiên cứu để có cách thức tổ chức khoa học, phân vùng phù hợp để các quận, huyện trên địa bàn tổ chức luân phiên tùy theo tính chất từng vùng hoặc theo thế mạnh của từng trường, cấp học chứ không như trước đây, tất cả các trường, các cấp học đều tham gia tất cả các cuộc thi.

Các cuộc thi của các câu lạc bộ, Sở giao cho các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị tài trợ để vận động xã hội hóa kinh phí tổ chức. Các cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi giữa các câu lạc bộ và trên tinh thần học sinh tự nguyện tham gia. Ví dụ như thi thuyết trình văn học, sẽ phối hợp với nhà xuất bản để tổ chức.

Ông Vĩnh khẳng định, với chủ trương không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh, các cuộc thi sẽ thực sự là sân chơi cho học sinh thể hiện tài năng cũng như đam mê của mình. 

Liên tiếp hai mùa hè, chị Nguyễn Quốc Thư Trâm (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều thu xếp thời gian đưa đón con đi học nghề. Chị cho biết: “Hè năm lớp 7, cháu chọn học nghề nấu ăn, kết quả thi nghề được loại khá. Để “chắc ăn”, hè năm lớp 8 vừa rồi, gia đình đã động viên cháu chịu khó đăng ký học nghề để cải thiện điểm, cháu chọn học tin học và thi được loại giỏi. Giờ nếu bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề thì nói thực là thấy thương cháu. Nhưng nếu bỏ để sau này các bạn khác không phải vất vả như cháu thì tôi đồng tình”. 

MỚI - NÓNG