Bớ ông trách nhiệm!

Bớ ông trách nhiệm!
Vợ chồng Ngơ về quê thăm ông bà ngoại. Chưa uống xong chén nước, Thị Mẹt đã nhảy xuống bếp, lát sau chạy lên la rầm trời:

-Ngơ ơi Ngơ, Ngơ xuống mà xem, tuyệt vời!

- Cái gì?

Thị Mẹt lôi Ngơ xềnh xệch xuống bếp. Trời đất! Tưởng gì hoá ra cái thùng rác. Thế mà reo mừng giống Alibaba bắt được kho vàng.

- Đây không phải là cái thùng rác bình thường. Anh ngó mà coi: nó có hai ngăn, một ngăn đựng rác vứt đi, một ngăn đựng rác tái chế.

Ngơ dòm vào. Ờ nhỉ. Y chang thùng rác ở nước Tây, ơn trời có lần Ngơ đã mục sở thị. Công nhận hiện đại, nhưng hiện đại bằng giời thì nó cũng chỉ là cái thùng rác. Thị Mẹt ở Thủ đô về, đâu phải từ hang đá ra mà thấy cái thùng rác cũng ngơ ngác như thấy người ngoài hành tinh.

- Anh phải nghe cho  thủng  nhìn cho thấu, đâu phải một cái thùng rác này. Một cái thùng rác ba trăm ngàn có gì đáng nói!

- Là sao?

- Là cả làng cả tổng cả huyện cả tỉnh này ai ai cũng có cái thùng rác này, hiểu chưa!

À, hiểu rồi! Một dự án làm sạch môi trường hàng trăm tỷ đồng đem về cho tỉnh. Tỉnh triển khai lẹ làng, nhà nhà có thùng rác hai ngăn. Mỗi gia đình tự phân loại rác tái chế và rác vứt đi. Rồi đem ra thùng rác công cộng to đùng được đặt khắp hang cùng ngõ hẻm. Chúng cũng có hai ngăn, ngăn rác vứt đi và ngăn rác tái chế. Các xe chở rác sẽ đem về nơi qui định, người ta đỡ mất công phân loại, rác vứt đi thì huỷ, rác tái chế được đưa về nhà máy. Công trình hoàn hảo như mơ. Thế này thì đất nước mình chẳng mấy chốc mà sạch sẽ thơm tho, bọn đế quốc thực dân nhìn vào chỉ có mà lác mắt, he he.

Ngơ và Thị Mẹt tung tăng đi khắp xóm, cùng làng. Đúng là như mơ. Xưa bà con mình hễ có rác thì vứt ra vườn, liệng xuống ao, bất kể hậu quả ra sao. Thành ra ao thối vườn hôi, bệnh tật ốm đau cũng từ đấy mà ra cả. Bây giờ thì hết nhé. Bà con có thùng rác rồi, bà con lại tự giác phân loại rác ngay tại nhà, đem  ra thùng lớn răm rắp, răm rắp, rác ngăn nào để ra ngăn đó.

Rồi, xe chở rác đến rồi!

- Ô kìa! - Thị Mẹt bỗng kêu lên -  Sao xe chở rác lại đổ lẫn rác tái chế với rác vứt đi thế kia!

Ờ nhỉ! Công khó dân ngồi nhà phân loại rác, tốn tiền mua thùng rác hai ngăn từ góc bếp nhà, ra ngõ, đến đầu đường, đến xe chở rác thì đổ dập cục cả hai lại một là thế nào?

Hoá ra tất tần tật đều hai ngăn trừ xe chở rác.

Hu hu cái sự đồng bộ trời ơi đất hỡi!

- Có xe chở rác hai ngăn đến đó kìa!- Thị Mẹt reo lên.

A, xe chở rác hai ngăn tỉnh mới mua về! Hoan hô! Sau nửa năm dân kêu thán rằng bắt dân phân loại thành công cốc tỉnh cũng đã thấu hiểu lòng dân, mua liền mấy chục chiếc xe chở rác hai ngăn.

- Ô kìa! Có xe chở rác hai ngăn rồi sao người ta vẫn đổ rác đập cục hai loại làm một?

Ờ nhỉ! Có xe chở rác hai ngăn, nhưng ai hơi sức đâu đi đổ rác ngăn nào ra ngăn đó. Người ta đổ rác cho là may rồi, còn bắt người ta phân loại! Một xe chở rác, một ông lái xe, một cần cẩu, cứ thế bê thùng lên đổ vào xe, chẳng cần biết ngăn nào ra ngăn nào.

Hu hu mất công, tốn tiền tỉ  sang tận nước Tây mua xe chở rác hai ngăn!

- Thế là may lắm rồi, tụi bay còn kêu chi?- Mẹ vợ Ngơ bây giờ mới lên tiếng- chúng mày không ra tỉnh lị, huyện lị mà coi.

- Coi cái gì hả mẹ?

- Coi hàng trăm thùng rác công cộng không có ai chở, để lâu ngày thối inh lên khắp phố khắp phường.

Ngơ, Mẹt ngơ ngác nhìn nhau:

- Sao có chuyện kì khôi vậy?

- Không kì khôi không ra tỉnh mình- Mẹ vợ Ngơ ngao ngán thở dài- Dự án tổ chức quốc tế cho tiền mua thùng rác, mua xe chở rác đầy đủ cả. Nhưng quốc tế không cho người sang đổ rác, không cho lái xe đi lái xe. Thành ra rác từ nhà ra đường rồi nằm yên chờ hết tháng này sang tháng khác.

- Hay chưa!- Ngơ kêu lên- Quốc tế người ta lo vậy là hết hơi rồi. Còn lại mấy việc đó tỉnh mình không lo được a?

- Sao không lo được- Mẹ vợ Ngơ lườm- Dời sông lấp núi tỉnh còn lo được, đồ mấy ông lái xe, mấy người đổ rác là cái gì đâu. Có điều tỉnh không cần lo.Dân cần,  quốc tế cần chứ tỉnh cần gì? Tỉnh cần những dự án mua sắm, phết phẩy xong rồi thì không cần gì hết, chẳng cần ai hết. Dân kệ dân, quốc tế mặc kệ quốc tế.

Có khi thế thật. Hu hu.

MỚI - NÓNG