Hết năm 2024 giảm 140 đơn vị sự nghiệp công lập
Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao tự chủ về tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để đạt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%); đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Bộ Nội vụ cũng thông tin, các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, qua đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Đồng thời, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL); riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị SNCL.
Bên cạnh đó Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ. Theo đó đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Căn cứ các Quyết định của Bộ Chính trị về biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giai đoạn 2022-2026. Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương theo quy định.
Thống kê cho thấy, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).
20/20 bộ ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã.
Đến nay, đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để quán triệt, tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ về vị trí việc làm tại các bộ, ngành, địa phương.
“Đây là những kết quả bước đầu, là điều kiện quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với tuyển dụng, sử dụng, quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức và thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo chức vụ, chức danh lãnh đạo và vị trí việc làm công chức, viên chức”, Bộ Nội vụ nêu.
Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, tiêu biểu như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Một số địa phương đã thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và quản lý biên chế, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Yên Bái, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Theo Bộ Nội vụ, một trong những nhiệm vụ quan trọng năm 2024 là, đẩy mạnh công tác thanh tra bộ và toàn ngành, nhất là thanh tra công vụ, công chức, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, kỷ luật, kỷ cương công vụ, công chức nhằm nâng cao chất lượng nền công vụ.