Bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo phải công khai và công tâm

Bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo phải công khai và công tâm
TP - Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy khi bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo, phải công khai và công tâm.

Đảng là đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của cả dân tộc, việc bầu ban lãnh đạo cao nhất của Đảng là BCH TW cũng là việc trọng đại của cả đất nước.

Vậy thì người dân có quyền tham gia ý kiến, đề đạt nguyện vọng để Đảng có thể lựa chọn chính xác những người có tài, có đức tham gia BCH TW hay không đảng rất coi trọng ý kiến quần chúng?

Khi kết nạp đảng viên mới, hay khi đánh giá nhận xét đảng viên hàng năm đều lấy ý kiến quần chúng. Vậy thì, với một công việc quan trọng là lựa chọn ban lãnh đạo cao nhất của Đảng (thực tế cũng là cao nhất của đất nước), có nên công khai danh sách những người được đề cử để nhân dân góp ý hay không?

Chúng ta hô hào chống tiêu cực, tham nhũng, quyết tâm lựa chọn những cán bộ có tài, có đức cho Đảng. Vậy thì có nên yêu cầu những người được đề cử công khai tài sản như một minh chứng cho sự liêm khiết, xứng đáng với sự tin cậy của đông đảo đảng viên và quần chúng hay không?

Mặt khác, từ việc bầu cử BCH TW lần này, đã đến lúc cần hoàn thiện cơ chế bầu cử, giới thiệu và đề bạt cán bộ sao cho thống nhất. Cùng là lấy ý kiến để đề bạt hay kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhưng cách thực hiện mỗi nơi một khác: Có khi lấy phiếu kín, có khi lại bằng biểu quyết...

Một cán bộ có thâm niên làm công tác đảng ở địa phương nhận xét: Biểu quyết thì dễ nghiêng theo ý kiến lãnh đạo chủ chốt. Ngay cả bỏ phiếu, nếu không có cách làm thống nhất cũng dễ bị “lái” theo ý kiến một vài cá nhân.

Ví dụ đưa một đảng ủy viên ra BCH để giới thiệu vào thường vụ. Nếu phiếu có tên người được giới thiệu và hai ô đồng ý hoặc không đồng ý để lựa chọn thì tương đối khách quan. Nhưng có nơi lá phiếu chỉ có tên ứng viên, ai đồng ý để nguyên, ai không đồng ý phải gạch đi. Ai cầm đến bút là chắc chắn không đồng ý.

Người được giới thiệu đã được “định hướng” nên phần nhiều sẽ nghiêng theo ý kiến lãnh đạo. Như thế, có “bầu” nhưng thực ra là “cử”, có lấy ý kiến nhưng thực ra là “hợp thức hóa” chỉ đạo của cấp trên.

Bài 1: Cụ thể hóa vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân

Bài 2: Không ai được đứng trên hay ngoài pháp luật

Một việc tưởng như đơn giản, nhưng nếu không có quy định thống nhất, chặt chẽ thì không phát huy được dân chủ trong Đảng, không phát huy được trí tuệ và ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Dự thảo Báo cáo chính trị xác định: “Thống nhất việc lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ trong cả hệ thống chính trị”. Điều đó hoàn toàn đúng. Song ngay trong Báo cáo chính trị lần này, cũng cần xác định rõ  khái niệm “thống nhất việc lãnh đạo”.

“Thống nhất” là đề ra yêu cầu, phẩm chất và giới thiệu danh sách nhiều người cho một vị trí để các cơ quan dân cử lựa chọn? Hay “thống nhất” là quán xuyến toàn bộ công tác cán bộ, công tác nhân sự? 

Chính vì sự xác định này chưa rõ ràng nên cơ quan quyền lực cao nhất đất nước là Quốc hội vẫn lúng túng chưa tiến hành được việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, vì xưa nay “công tác cán bộ là của Đảng”, rồi “không được làm nhân sự kiểu phong trào”...

Hiệu lực giám sát của Quốc hội giảm sút, chức năng cơ quan quyền lực cao nhất không được thực thi đầy đủ. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến niềm tin  của dân vào Đảng vì “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mà tại sao để đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri đánh giá tín nhiệm một vài ông bộ trưởng đã khó đến thế?

Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Chúng ta khẳng định, đất nước không thiếu người tài. Điều cần làm lúc này là phải trọng dụng nhân tài, đưa những người có đủ năng lực, tầm vóc và phẩm chất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bảo đảm cho Đảng nguồn sinh lực cần thiết đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Muốn vậy, phải công khai và công tâm...

Lần đầu tiên, Đảng cho công bố công khai Dự thảo Báo cáo chính trị để người dân tham gia góp ý kiến xây dựng. Việc dân, việc nước, người dân được luận bàn và tham gia quyết định, đó là điều đáng mừng.

Bắt đầu từ sự công khai đó, bước tiếp theo cần làm là công tâm trong đánh giá, nhìn nhận và xây dựng đội ngũ cán bộ. Phải làm sao để những ý kiến tâm huyết được tiếp thu nghiêm túc, hệ thống đầy đủ, làm sáng rõ thêm chiến lược phát triển đất nước, đưa đảng lên ngang tầm nhiệm vụ, tăng thêm chất trí tuệ cho văn kiện ĐH.

Những ý kiến không đưa vào Báo cáo cũng cần có giải đáp sòng phẳng để lòng dân rộng mở, thấy chúng ta thực sự cầu thị, thực sự mong mỏi nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia bàn việc nước với ý thức trách nhiệm cao nhất...

Hy vọng, ĐH lần này sẽ là ĐH của tinh thần đổi mới, dũng khí đổi mới, tạo ra bước ngoặt phát triển, đưa dân tộc ta lên tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của hơn 80 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Thạc sĩ Đỗ Chí Nghĩa
Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

MỚI - NÓNG