Bỏ mô hình thanh tra cấp huyện, xóa 'dàn đều' về biên chế?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện, góp phần giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức bộ máy, khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế… Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn duy trì mô hình ba cấp hiện nay.

Trình các phương án để Quốc hội thảo luận

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra. Đáng lưu ý, liên quan đến vấn đề tổ chức, ông Phong cho biết, dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.

Bỏ mô hình thanh tra cấp huyện, xóa 'dàn đều' về biên chế? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh như hiện nay. Tuy nhiên, về thanh tra huyện, trong Thường trực Ủy ban còn có hai loại ý kiến. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện, góp phần giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức bộ máy, khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế. Ngược lại, loại ý kiến thứ hai tán thành tiếp tục duy trì thanh tra cấp huyện như hiện nay. Theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với mô hình thanh tra ba cấp hiện nay. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, khi nói đến thanh tra cấp huyện, có quan điểm so sánh cơ quan này giống mô hình HĐND cấp huyện, cho rằng cấp này còn hình thức. Tuy nhiên, theo bà Thanh, đó là do cách tổ chức chưa tốt, hoặc do bố trí lực lượng còn mỏng. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bà Thanh đồng tình với việc tiếp tục duy trì hệ thống thanh tra cấp huyện, song cần đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện. “Nếu các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở sẽ không phát sinh, tồn đọng, bức xúc kéo dài, hay đùn đẩy và trở thành gánh nặng cho cấp trên”, bà Thanh nói.

Bỏ mô hình thanh tra cấp huyện, xóa 'dàn đều' về biên chế? ảnh 2

“Thanh tra tổng cục, cục chỉ được thành lập trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định cơ quan thanh tra hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Bỏ mô hình thanh tra cấp huyện, xóa 'dàn đều' về biên chế? ảnh 3

“Các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ được rà soát kỹ, cơ quan nào thực sự cần thiết thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì được thành lập cơ quan thanh tra; ở cơ quan nào hoạt động này thực chất chỉ là hoạt động kiểm tra thì cần bãi bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Từ thực tiễn từng làm ở địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng ý với mô hình thanh tra ba cấp như hiện nay. “Không nên bỏ, vì thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, giải quyết khiếu nại tố cáo… Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì ai làm vấn đề này? Đây là vấn đề chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không nên “chốt chặt” ngay, mà cần tiếp tục nêu các phương án để QH thảo luận. Tại sao lại hai cấp, tại sao cần ba cấp, theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng là phải lập luận làm sao cho thực sự thuyết phục.

Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tờ trình do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trình bày cho biết, việc sửa đổi nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế- xã hội phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quan điểm lớn nhất cần phải quán triệt và khẳng định trong dự thảo luật là, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, có ý nghĩa kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, chủ quyền quốc gia, đồng thời, phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tất cả những băng tần đã cấp rồi thì trong điều kiện khẩn cấp như trường hợp chiến tranh, thiên tai, thảm họa... Nhà nước có quyền yêu cầu các doanh nghiệp phục vụ các mục đích nêu trên trong thời gian nhất định.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.