Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nghiên cứu của Mỹ, nếu cha mẹ tìm được bạn đời mới, con cái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất cao hơn 40 lần so với trẻ sống cùng bố mẹ đẻ; sống trong nhà với người lớn không có quan hệ huyết thống, trẻ có nguy cơ tử vong do thương tích cao gấp gần 50 lần so với sống cùng cha mẹ ruột.
Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 1

Theo nghiên cứu của Mỹ, nếu cha mẹ tìm được bạn đời mới, con cái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất cao hơn 40 lần so với trẻ sống cùng bố mẹ đẻ. Ảnh minh họa: Verywell Family.

Theo Điều tra dân số Mỹ năm 2016, phần lớn trong số gần 74 triệu trẻ em từ 18 tuổi trở xuống sống cùng nhà với cả cha và mẹ (dù đã kết hôn hay chưa). Gần 25% trẻ em ở Mỹ sống với cha hoặc mẹ, thường là mẹ (dù số trẻ sống với cha đơn thân đã tăng từ 1 lên 4% kể từ năm 1960).

Hầu hết những đã ly hôn cuối cùng đều sống thử hoặc tái hôn. Khoảng 75% phụ nữ ly hôn tái hôn trong vòng 10 năm sau khi chia tay. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nếu người phụ nữ có con nhỏ. Có lẽ một trong những lý do là họ sợ rủi ro được gọi là “hội chứng bạn trai bạo hành”.

Các chuyên gia lưu ý, theo thống kê, khả năng bất ổn định tăng nếu người lớn và trẻ em không có mối liên hệ sinh học (không phải là cha-con ruột, mẹ-con ruột) sống cùng nhà.

Bà Eliana Gil, giám đốc lâm sàng của nhóm phòng chống lạm dụng quốc gia Childhelp (Mỹ), nói: “Họ không có mối quan hệ sâu với những đứa trẻ này. Mối quan tâm chính của họ thực sự là bạn đời. Họ có thể cáu kỉnh, tức giận hơn khi có vấn đề với bọn trẻ”. Tất nhiên, không phải tất cả cha dượng hoặc mẹ kế đều không gắn kết hoặc không yêu thương con riêng của bạn đời mới.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, thành công của bố dượng hoặc mẹ kế trong gia đình mới phụ thuộc nhiều yếu tố. Chuyên gia hôn nhân và gia đình April Eldemire khẳng định, điều quan trọng là các cặp vợ chồng tái hôn phải “học cách giao tiếp hiệu quả và không ngại thảo luận về những chủ đề nhạy cảm khi chúng phát sinh”.

Hơn nữa, việc nâng cao khả năng phục hồi thông qua nghi thức và cấu trúc gia đình lành mạnh là một dấu hiệu cho thấy sự thành công của đứa trẻ hơn là việc sống trong gia đình thứ nhất (với bố mẹ ruột trước khi họ ly hôn) hoặc thứ hai (với cha dượng hoặc mẹ kế).

Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 2

Nguy cơ tử vong do thương tích cao gấp gần 50 lần

Tuy nhiên, trẻ sống trong gia đình thứ hai (có cha mẹ ly hôn rồi tái hôn) có khả năng gặp khó khăn về học tập, hành vi và xã hội cao gấp đôi so với trẻ sống trong gia đình thứ nhất. Các nghiên cứu cho thấy, 10% trẻ em sống trong gia đình thứ nhất gặp khó khăn, gặp vấn đề về học tập, hành vi và xã hội, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em sống trong gia đình thứ hai là 20-25%. Ngoài ra, khả năng chúng bị tổn thương cũng cao hơn.

Trong bài báo “Trẻ em bị lạm dụng và những rủi ro khác khi không sống chung với cả cha và mẹ” được xuất bản trên tạp chí Ethology & Sociobiology (Phong tục học & Sinh vật học xã hội), Martin Daly và Margo Wilson viết: “Nếu cha mẹ tìm được bạn đời mới, con cái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất cao hơn 40 lần so với những đứa trẻ sống cùng cha mẹ ruột”.

Theo một nghiên cứu tại bang Missouri (Mỹ) về trẻ em sống trong nhà với người lớn không có quan hệ huyết thống, trẻ em có nguy cơ tử vong do thương tích cao gấp gần 50 lần so với trẻ em sống cùng cha mẹ ruột.

Vì vậy, tốt nhất là cha mẹ hãy cùng dạy con cái các quy tắc an toàn thân thể, quan sát trẻ chơi đùa, đặc biệt là với các bạn lớn tuổi hơn, và lựa chọn người chăm sóc một cách thật cẩn thận. Sau ly hôn, những điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Một nguy cơ khác đến từ vai trò tiêu cực tiềm ẩn của việc sống chung với anh chị em cùng cha khác mẹ. Ngay cả khi không xảy ra tình trạng lạm dụng tình dục hoặc thể chất thì những đứa trẻ sống với anh chị em cùng cha khác mẹ có xu hướng hung hăng hơn.

Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 3
Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 4
Theo một nghiên cứu của Mỹ, sống trong nhà với người lớn không có quan hệ huyết thống, trẻ có nguy cơ tử vong do thương tích cao gấp gần 50 lần so với sống cùng cha mẹ ruột. Ảnh minh họa: NCHR.

Ba cách giảm thiểu rủi ro

TS Laura Markham nói: “Con bạn là trách nhiệm của bạn. Chúng cần bạn nhiều hơn khi bạn hẹn hò hoặc tái hôn”.

Tiến sĩ Laura Markham, người sáng lập website nuôi dạy trẻ Aha! Parenting và tác giả của cuốn sách “Peaceful Parent: Happy Kids” (Cha mẹ yên bình, con cái hạnh phúc) đã chia sẻ ba đề xuất hàng đầu của bà để giảm nguy cơ lạm dụng, tổn hại tình dục đối với trẻ em sau khi bố mẹ ly hôn.

Hoãn hẹn hò

Bà Markham nói: “Ưu tiên của bạn là sức khỏe tinh thần của con bạn, và điều đó có nghĩa là không nên áp đặt con bạn trước một đối tác mới hoặc một loạt đối tác. “Con bạn phải điều chỉnh rất nhiều; việc bạn thêm yếu tố của một đối tác tiềm năng mới sẽ làm chúng thêm lo lắng và sẽ làm giảm cảm xúc bạn dành cho chúng. Vì vậy, hãy ổn định cuộc sống của con bạn ít nhất một năm trước khi bạn nghĩ đến việc hẹn hò. Bạn có thể sẽ cảm thấy hoảng sợ vì cô đơn. Hãy đối phó với sự hoảng sợ đó, thay vì lao vào một mối quan hệ. Bạn sẽ có được một mối quan hệ tốt hơn cũng như một đứa trẻ hạnh phúc hơn”.

Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 5

Từ tốn khi hẹn hò

Tiến sĩ Markham nói: “Khi bạn phát triển một mối quan hệ, đừng vội vàng giới thiệu đối tác mới của bạn với con. Con bạn đã mất gia đình. Chúng cần thời gian để làm quen với ý tưởng về cha dượng hoặc mẹ kế… Sau khi ly hôn là lúc bạn dễ bị tổn thương nhất. Bạn dễ bị cuốn vào mối tình lãng mạn, nhưng vấn đề thực sự sẽ xuất hiện sau đó và việc thoát ra khỏi một mối quan hệ sẽ khó hơn nhiều so với bước vào. Hãy thảo luận nhiều với đối tác mới về con bạn. Đừng vướng vào một mối quan hệ mà bạn phụ thuộc về tài chính. Hãy cân nhắc duy trì hai nơi ở riêng biệt trong một thời gian. Và tôi không thể không nhấn mạnh điều này: Hãy chú ý đến bất kỳ dấu hiệu báo động nào, dù rất nhỏ; đừng coi nhẹ chúng!”.

Đối tác mới không bao giờ được kỷ luật con bạn

Bà Markham nói: “Hãy coi họ như một người cô hoặc chú, không phải cha mẹ. Họ không bao giờ nên là một nhân vật có thẩm quyền trong mối quan hệ với con bạn. Có quá nhiều cơ hội để lạm quyền. Tôi biết rất nhiều tình huống mà các bà mẹ để chồng mới kỷ luật con mình, để rồi sau đó thực sự hối tiếc”.

Các bậc cha mẹ đơn thân nên cẩn thận và từ từ giới thiệu bạn đời mới với con mình, tin vào bản năng của bọn trẻ. Sau khi có đối tác mới, việc thiết lập động lực nuôi dạy con cái cùng với cha hoặc mẹ ruột của con giúp giảm thiểu khả năng chúng bị làm hại.

Bà Markham kêu gọi cha hoặc mẹ ruột của trẻ đang sống trong gia đình thứ hai không khuyến khích bạn đời mới của mình “hành động như cha mẹ”, tức là có thẩm quyền trong mối quan hệ với con đẻ của họ.

Theo nhà tâm lý học gia đình Patricia Papernow, cha dượng, mẹ kế nên tập trung vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với con cái của bạn đời. Điều này được thực hiện thông qua sự kết nối, chứ không phải là cải huấn, trừng phạt. Bà Papernow gợi ý rằng, cha mẹ ruột “nên xử lý hầu hết các vấn đề kỷ luật trong khi cha mẹ mới xây dựng mối quan hệ”.

Bố mẹ ly hôn có bạn đời mới, khả năng con bị lạm dụng cao gấp 40 lần ảnh 6

Cha dượng, mẹ kế nên tập trung vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với con cái của bạn đời. Điều này được thực hiện thông qua sự kết nối, chứ không phải là cải huấn, trừng phạt.

MỚI - NÓNG