Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người?

Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người?
TPO - Trong năm đầu tiên thành lập, bộ máy nhân sự của chính quyền thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ gồm 657 người, trong đó có một Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch UBND thành phố.

Ngày 24/10, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM trình Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM trong giai đoạn 2019 – 2021.

Theo đó, Sở Nội vụ TPHCM cho biết: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện có 1.221 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó biên chế công chức là 984 người và 143 người thuộc diện hợp đồng lao động. Sau khi sáp nhập ba quận nói trên để thành lập TP Thủ Đức, có 822/1.221 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng tiếp tục được trưng dụng và tái bố trí từ năm 2021.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư là 399 người cần có hướng giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực trên, thành phố cần phương án cụ thể từ nay đến năm 2025.

Về bố trí 822 cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng, Sở Nội vụ đề xuất trong năm đầu tiên thành lập (dự kiến 2021), bộ máy của chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ gồm 657 người, trong đó lãnh đạo UBND thành phố Thủ Đức sẽ gồm một chủ tịch và 3 phó chủ tịch.

653 biên chế công chức và nhân viên hợp đồng lao động còn lại của UBND thành phố Thủ Đức gồm thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, các phòng Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra.

Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người? ảnh 1 Trụ sở làm việc trong tương lai của Thành ủy TP Thủ Đức

Trong năm đầu tiên, các đơn vị sự nghiệp của UBND thành phố Thủ Đức sẽ có 246 người thuộc biên chế công chức và hợp đồng lao động, được bố trí làm việc tại Trung tâm Thể dục - Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Thành ủy TP Thủ Đức sẽ có biên chế công chức, hợp đồng lao động với số lượng 39 người trong năm 2021.

Sở Nội vụ TPHCM cũng tham mưu UBND TPHCM phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức của TP Thủ Đức. Theo đó, Cơ quan Đảng của TP Thủ Đức trong năm đầu tiên là 128 người thuộc diện biên chế công chức và hợp đồng lao động. Con số này sẽ giảm dần từng năm, sau năm 2025 sẽ chỉ còn 92 người.

Tương tự, trong năm đầu tiên, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức có 112 người thuộc biên chế công chức, hợp đồng lao động và sau năm 2025 giảm còn 76 người. UBND TP Thủ Đức có 657 người thuộc biên chế công chức, hợp đồng lao động trong năm đầu thì sau năm 2025 chỉ còn 459 người.

Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người? ảnh 2 TP Thủ Đức nhìn từ trên cao. Nơi đây trong tương lai sẽ là động lực phát triển mới của đầu tàu kinh tế TPHCM

Trong năm đầu tiên, các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành uỷ TP Thủ Đức có 39 người thuộc biên chế công chức, hợp đồng lao động và sau năm 2025 còn lại 30 người. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Thủ Đức có 246 người thuộc biên chế công chức, hợp đồng lao động trong năm đầu thì sau năm 2025 chỉ còn 165 người.

Như vậy, sau năm 2025, số cán bộ, công chức cấp huyện ở TPHCM được tinh giản là 243 người. Số lượng viên chức, hợp đồng lao động bị cắt giảm là 64 người.

Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người? ảnh 3 Trụ sở làm việc dự kiến của Chính quyền TP Thủ Đức trong tương lai

Đối với 399 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư sau khi sáp nhập 3 quận 2, 9 Thủ Đức, Sở Nội vụ đề xuất sắp xếp theo phương án: Bố trí công tác tại các cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc quận; điều động sang quận khác hoặc các sở, ban ngành, TP hoặc giải quyết chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi); hoặc không đủ chuẩn tái cử; giải quyết thôi việc…trong thời gian 60 tháng.

Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Đối với lao động hợp đồng dôi dư, TPHCM sẽ bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị khác còn thiếu.

Cụ thể: Năm 2021, TPHCM sắp xếp, bố trí cho 66 cán bộ, công chức và 26 viên chức, người lao động hợp đồng. Năm 2022: 66 cán bộ, công chức và 21 viên chức, người lao động hợp đồng. Năm 2023: 66 cán bộ, công chức và 15 viên chức, người lao động hợp đồng dôi dư. Năm 2024: 65 cán bộ, công chức và 15 viên chức, người lao động hợp đồng dôi dư. Năm 2025: 46 cán bộ, công chức và 13 viên chức, người lao động hợp đồng dôi dư.

Trước đó, Sở Nội vụ TPHCM cũng đề xuất trưng dụng các cơ quan, trụ sở làm việc của 3 quận để đặt trụ sở làm việc của các cơ quan thuộc TP Thủ Đức. Theo đó, trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức dự kiến đặt tại trụ sở HĐND và UBND quận 2; trụ sở UBND TP Thủ Đức đặt tại trụ sở HĐND và UBND Quận Thủ Đức và trụ sở Ủy ban MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức đặt tại trụ sở HĐND và UBND Quận 9.

Bộ máy nhân sự của thành phố Thủ Đức gồm bao nhiều người? ảnh 4 HĐND quận Thủ Đức (cùng quận 2, quận 9) mới đây đã họp, thông qua chủ trương sáp nhập quận và đặt tên cho đơn vị hành chính mới là TP Thủ Đức

Tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) mới đây, HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM trong giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, TPHCM sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của ba quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là TP Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên, dân số 1.013.795 người.

Trước đó, HĐND các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức khóa IV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng đã tổ chức kỳ họp chuyên đề. 100% đại biểu HĐND các quận cũng đều tán thành thông qua chủ trương sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.