Bộ Lao động đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.
TPO - Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án từ năm 2021. Đây là việc thể chế hoá yêu cầu tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết 28 của Trung ương về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.

Theo đó, Dự thảo Bộ Luật Lao động đưa ra 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định người lao động được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm, do suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Đồng thời, người lao động cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Với việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 2 vấn đề cần làm rõ là về xác định mốc tuổi và lộ trình điều chỉnh.

Về mốc tuổi nghỉ hưu (nam tăng 2 năm, nữ tăng 5 năm), ban soạn thảo cho rằng, tuổi thọ và sức khoẻ, thể trạng người Việt ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của Nam là 72,1 tuổi, Nữ là 81,3 tuổi. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ cao.

Trong khi đó, lực lượng lao động tham gia thị trường của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ, sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Do đó, cần hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do già hóa dân số.

Về việc xác định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều này nhằm tránh gây "sốc" cho thị trường lao động, là chính sách dài hạn. Điều này vừa để người lao động và doanh nghiệp thích nghỉ, vừa để thị trường lao động điều chỉnh.Việc tăng nhanh, đột ngột sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.

“Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn Phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Tuy nhiên, Phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Dự kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối tháng 5 tới.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...