Bộ lạc cúi đầu

TPO - Nếu bạn suốt ngày chúi đầu vào điện thoại di động, vật bất ly thân của mình, thì bạn đã gia nhập “bộ lạc cúi đầu” ngày càng đông đảo trên hành tinh chúng ta.

Một lần đi làm hộ chiếu, xác định phải chờ cho nên đến nơi làm thủ tục, tôi liếc bảng điện tử đỏ choét rồi mở cuốn sách trong túi ra đọc.

Khoảng 15 phút, ngẩng lên thấy bảng vẫn chạy con số y như lúc bước vào. Nhìn chằm chằm thêm vài phút thấy không đổi. Hai nhân viên chả biết đang làm gì nhưng không ma nào là khách đứng đó làm thủ tục. Bèn tiến lên hỏi cô ơi, nãy giờ không ai làm à, sao vẫn dừng ở con số kia. Cô giải thích, nó hỏng hơn tiếng đồng  hồ rồi. Hỏng thì các cô phải thông báo chứ. Làm bọn tôi chờ mốc meo. Bên quầy kia vừa chạy bảng điện tử vừa loa oang oang (hay vì làm thủ tục cho người nước ngoài nên oách hơn).

Bộ lạc cúi đầu ảnh 1 Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong.

Thế là tôi được làm. Xong quay về các hàng ghế, bảo: Các vị lên làm lẹ đi, có biết là hỏng bảng điện tử nãy giờ không? Khoảng ba chục con người đang cắm mặt vào điện thoại ngơ ngác ngẩng lên. Hóa ra, dán mắt vào đó khiến họ chẳng để ý bao giờ đến lượt, có vẻ sẵn sàng ngồi hết buổi, như thể những người rảnh rỗi nhất.

Nhà báo Tom Chatfield năm ngoái viết bài thú vị trên báo nước ngoài về bệnh nghiện công nghệ của giới trẻ. Anh dẫn thuật ngữ có nguồn gốc Trung Quốc gọi là “đê đầu tộc” tức “bộ lạc cúi đầu”, diễn tả những người đi trên đường mà cứ chúi đầu vào màn hình điện thoại. Theo anh, nếu bạn thuộc “bộ lạc cúi đầu” thì có lẽ cũng là thành viên “mẫu chi tộc” tức “bộ lạc ngón tay”- thuật ngữ này lại khởi nguồn từ Nhật Bản, oyayubizoku, nơi thanh thiếu niên giỏi nhắn tin hơn nói chuyện.

Việt Nam chúng ta thì khi chưa sốt điện thoại thông minh đã trêu đùa gửi nhau tin nhắn có nội dung sau: “Tiến bộ khoa học đã chứng minh rằng tất cả những kẻ yếu sinh lý đều dùng ngón tay trỏ để đọc tin nhắn này”.

Cùng với điện thoại là máy tính bảng. Nhiều bố mẹ và cô giúp việc bây giờ thích quẳng ipad cho đứa trẻ để nó trật tự. Nghe nói nhiều đứa nói tiếng đầu đời là “pad, pad” tức ipad chứ không phải “mẹ” hoặc “Tiếng đầu đời con gọi Xít ta lin” (thơ Tố Hữu).

Điện thoại thông minh là xu thế tất yếu của thời đại đồng thời tạo ra những căn bệnh thời đại. “Thông minh quá thông minh không chịu nổi”.  Cho nên biết lạm dụng nó thì có hại nhưng vẫn chọn. Chẳng hạn, biết rằng bí quyết của sự kiên tâm là làm việc khác trong khi chờ đợi nhưng chả lẽ lúc nào cũng luôn tay luôn chân làm việc gì đó, hoặc ngẫm ngợi sự đời. Cũng cần on ọp, xem phim xem ảnh, đọc báo đọc chí, đọc truyện đọc trò chứ.

Steve Jobs kể, ông lần đầu tiên nghĩ đến chiếc điện thoại thông minh là khi nhận ra ai cũng dùng điện thoại nhưng không thật thích nó. Còn bây giờ bạn thấy đấy, mọi người bị cái thứ xinh đẹp đó thôi miên thế nào. Ngồi cạnh người thân lâu ngày gặp lại mà cứ tí toáy cập nhật Facebook. Bạn bè rủ nhau vào quán chả nói chuyện mà gằm mặt chát chít. Người yêu gặp người yêu thì tưởng chả còn biết giời giăng gì nữa, song đã có cục be bé kia chen vào làm kẻ thứ ba lợi hại. Mải chúi mặt chúi mũi cho nên đi đường dẫm cả chân người khác, vấp cột điện và cây cối, xe cộ. Khác nào mộng du. Tai nạn như chơi.

Nhà báo Tom Chatfield trên kia cũng dẫn hai thuật ngữ phương Tây tương đương “bộ lạc cúi đầu” và “bộ lạc ngón tay”. Một là “phubbing”- kết hợp của từ snub (làm mất mặt) và phone, nói về hành động phớt lờ người khác bằng cách nhìn điện thoại. Anh cho biết từ này phát minh năm 2012 bởi hãng quảng cáo McCann Melbourne (Úc) trong một chiến dịch quảng bá từ điển. Chiến dịch này sau đó châm ngòi cho chiến dịch khác, chủ đề “stop phubbing” (hãy ngưng phớt lờ người khác bằng việc chúi vào điện thoại). Còn “Từ trong năm của giới trẻ” nước Đức 2015 chính là “smombie”, kết hợp của “smartphone” và “zombie” (xác sống), ám chỉ những người không để ý mình đi đâu mà chỉ lo say sưa ngơ ngẩn nhìn cái màn hình nhỏ xíu kia.

Với nhiều bạn trẻ ở ta, vào quán bây giờ mà không có wifi thì rõ “đuội”. Nhiều quán hài hước đặt mật khẩu là: “hỏi làm gì”, “không biết đâu”...

Năm kia tôi đi Pháp, thấy nhiều quán cà phê ghi: Không có internet, wifi. Người Pháp rất thích chuyện trò, bàn luận sôi nổi từ chính trị, văn chương, phim ảnh; tán gẫu về tình yêu, hôn nhân...Quán cà phê ở Pháp thì biết rồi đấy, đẹp dã man, nhất là những quán (được phép) nhô ra chiếm trọn vỉa hè. Lấp ló trong đó những gương mặt sáng trưng sinh động, đã sính ngôn từ lại huy động cả ngôn ngữ cơ thể khi chuyện trò.

Nhà văn Lê Minh Khuê kể với tôi, vừa dự bữa tiệc do một sứ quán cường quốc mời, ngoài chủ nhà có lãnh đạo đại học Harvard, một số doanh nhân và trí thức Hà Nội. Chị thấy dễ chịu bởi cuộc hay thế mà không ai giơ máy ảnh. Chị sợ cảnh thấy gì cũng chụp, đi đâu cũng chụp. Đâu chỉ người trẻ mới mê man bất tỉnh vì công nghệ, và độ tự sướng cao.

Thỉnh thoảng, ta có nên bớt lệ thuộc công nghệ đỉnh cao, bớt check, message, like, comment. Nghĩ ngợi nhiều hơn thay vì quen tật táy máy màn hình. Tắm nắng, đi dạo, thăm thú nơi này nơi kia, vào quán xá chuyện trò. Nhưng nói chuyện, là những chuyện gì mới được? Buôn dưa lê bán dưa chuột, tán nhăng tán cuội giết thời gian thì thà làm thổ dân “bộ lạc cúi đầu”.

Lưu Quang Vũ, nhà thơ và kịch tác gia, từ thuở thanh niên đã chủ tâm chỉ đọc những thứ có ích cho anh. Giở vài trang sách thấy không báu vào thân là anh quăng luôn. Nghe hơi thực dụng nhưng thà là thế.

Có người nói vui rằng ba chữ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là “Made in China” chứ không phải “I love you”. Còn nếu một hai chữ, thì phổ biến nhất có phải wifi, Facebook, password hay gì? Dù thế giới này đang đi đến đâu, phần lớn trong ngày bạn vẫn nên ưu tiên ngả sang làm thổ dân “bộ lạc ngẩng đầu”, xem cuộc sống có bớt thú vị đi tí nào hay không?

Lời tòa soạn: Từ giữa tháng 3/2017, báo Tiền Phong điện tử mở chuyên mục “TÔI NGHĨ...” – một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.