Chị Đặng Thị Oanh, Thanh Xuân Hà Nội cho biết, những ngày mùa đông lạnh hoặc khi sang xuân, chị thường bị ngạt mũi, sổ mũi hoặc có cảm cúm mệt mỏi. Những lúc như thế, chị thường đốt 2,3 quả bồ kết đặt dưới gầm giường ngửi mùi khói đó cho dễ thở và để tránh bị cảm cúm. Chị nói: Mình thấy cực kỳ hiệu quả, tránh được việc dùng nhiều thuốc Tây.
Bồ kết - trái nhỏ nhiều công dụng
Bồ kết có tên khoa học là Fructus Gleditschiae, và có các tên gọi khác là chùm kết, tạo giác, tạo giáp, trư nha tạo giác.
Theo Đông y, quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc,vào kinh phế, đại tràng có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi, dùng làm thuốc tiêu đờm, thông đại tiện, sát trùng…
Lương y Nguyễn Thị Thúy Hằng - Nhà thuốc Phúc Hưng Đường, Nguyễn Quý Đức, Hà Nội cho biết: “Quả bồ kết được dùng để thông khiếu chữa cảm cúm, ngạt mũi, sổ mũi cho những người bị trúng gió hoặc trúng phong. Cách dùng là có thể sấy khô hoặc đốt thành than, tán bột rồi pha nước uống, đắp ngoài da hoặc xông hơi”.
Còn theo một vài nghiên cứu hiện đại quả bồ kết cho biết vỏ quả bồ kết có chất saponin, chất này có tác dụng long đờm chữa ho, một số loại saponin có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus.
Nhưng bồ kết cũng có chống chỉ định
Lương y Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng cho biết thêm, tùy theo lứa tuổi, tình trạng bệnh mà liều dùng khác nhau. Đối với những người khỏe mạnh mỗi lần có thể dùng 3-4 quả bồ kết đốt lên rồi cho khói xông mũi, 1 lát sau sẽ thông thoáng, dễ thở. Còn đối với trẻ nhỏ mỗi lần chỉ nên sử dụng từ 1-2 quả.
Ngoài ra, bồ kết cũng được chống chỉ định cho một số đối tượng sau:
- Những người ho ra máu, nôn ra máu và phụ nữ có thai cần tuyệt đối không nên dùng bồ kết.
- Những người mắc chứng hen suyễn, người yếu hoặc đang đói cũng không được dùng.
- Người bị dị ứng với tinh dầu bồ kết cũng không nên dùng cách này để chữa vì nó rất dễ gây ra dị ứng, ngạt thở nguy hiểm cho tính mạng.