Bộ GTVT: Thu về hàng ngàn tỉ đồng từ bán DNNN

Ngành giao thông vận tải được coi là tích cực nhất trong việc cải cách DNNN. Ảnh TL SGT.
Ngành giao thông vận tải được coi là tích cực nhất trong việc cải cách DNNN. Ảnh TL SGT.
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, số tiền từ bán cổ phần, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc bộ lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong năm nay.

Báo cáo Kết quả công tác sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, 10 tổng công ty thuộc bộ này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa đã hoàn thành đúng kế hoạch, lộ trình tổ chức bán cổ phần ra bên ngoài, tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó Tổng công ty XDCT giao thông 8 đã hoàn thành trước kế hoạch dự kiến.

Báo cáo cho biết, tổng số tiền thu từ bán cổ phần của 10 tổng công ty nói trên là 1.962 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.

Trong số tiền này, hơn 1.123 tỉ đồng được nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, và gần 839 tỉ đồng giữ lại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT dự kiến sẽ thoái vốn được hơn 228 tỉ đồng trong năm 2014.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, giá trị thu được gần 58 tỉ đồng và hiện đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình, dự kiến thu hồi 7,2 tỉ đồng; tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không, dự kiến thu hồi 14,8 tỉ đồng; tại Công ty cổ phần Kho vận hàng không, dự kiến thu hồi 3,5 tỉ đồng. Như vậy, năm 2014 việc thực hiện thoái vốn tại 4 doanh nghiệp theo kế hoạch sẽ giúp Tổng công ty Hàng không thu về gần 83,2 tỉ đồng.

Còn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp, giá trị thu về 35,631 tỉ đồng.

Tổng công ty XDCT giao thông 1 thực hiện thoái vốn tại 2 công ty, giá trị thu về 110,3 tỉ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam thực hiện thoái vốn tại 2 công ty, giá trị thu về 19,5 tỉ đồng.

Tổng công ty Xây dựng đường thủy thoái vốn tại 1 doanh nghiệp, giá trị thu được 4,9 tỉ đồng.

Và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thuê tư vấn xác định giá trị cổ phần và đánh giá khả năng thoái vốn tại 13 công ty, giá trị thu hồi dự kiến là hơn 53,4 tỉ đồng.

Về phá sản doanh nghiệp, báo cáo cho biết, Vinashinlines nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 14-3-2014, và đã nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án ngày 20-5-2014.

Công ty Falcon nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29-4-2014.

Liên quan đến Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), báo cáo cho biết, đến nay, SBIC đã hoàn thành việc giải thể 12 đơn vị. Theo kế hoạch, SBIC sẽ thực hiện giải thể 50 đơn vị, hiện nay, đang tập trung triển khai các thủ tục để thực hiện giải thể tại 12 công ty TNHH MTV; 05 đơn vị sự nghiệp là các trường nghề và 20 công ty cổ phần.

Theo Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG