Bộ GD&ĐT phát hiện nhiều trường hợp bằng giả

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT.
TPO - Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, năm 2018, Bộ GD&ĐT phát hiện gần 10 trường hợp bằng giả và cần xác minh.

Thời gian qua, quy trình công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam cũng đã giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng văn bằng giả, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nhưng không đạt chất lượng, trường cấp văn bằng chưa được kiểm định.

Chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến "Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam" do báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều 25/1, ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ - cho biết có loại bằng không xác minh được.

Công nhận văn bằng là vấn đề nhức nhối?

Ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ cho hay, năm 2018, Bộ GD&ĐT phát hiện khoảng 10 trường hợp bằng giả và đã liên hệ với hệ thống giáo dục nước ngoài để thẩm định. 

Tuy nhiên theo ông Nghĩa, việc công nhận văn bằng hiện nay có hai vấn đề. Thứ nhất, hệ thống văn bằng nước ngoài không giống hoàn toàn ở nước ta, nên việc sắp xếp vị trí văn bằng như thế nào cần phải xem xét. Thứ hai, việc xác minh bằng có thật hay giả.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, suốt cả một thời gian rất dài, vấn đề công nhận văn bằng là một vấn đề nhức nhối nhưng chúng ta chưa có một giải pháp triệt để. Nếu bây giờ Bộ đưa ra một giải pháp để xây dựng khung pháp lý thuận lợi hơn thì sẽ tốt hơn.

"Bộ GDĐT cần công khai danh sách các trường đạt chất lượng, có khung chương trình quốc gia để từ đó tham chiếu”- TS Khuyến nhấn mạnh.

Không được làm khó người muốn công nhận văn bằng

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng khẳng định, việc công nhận văn bằng là cần thiết, phù hợp với thông lệ của quốc tế, đảm bảo quyền lợi của người có văn bằng và quyền lợi của quốc gia.

“Tôi luôn nói với các đồng chí ở Bộ GD&DT, hãy đặt trường hợp của mình vào người có văn bằng để triển khai, tuyệt đối không được làm khó và phải hỗ trợ tối đa người có văn bằng cần đi công nhận”, ông Trinh khẳng định.

Hiện trên hệ thống website của Bộ đã có tương đối đầy đủ các hệ thống trường và liên tục cập nhật. Người có nhu cầu công nhận văn bằng cần nghiên cứu website này đỡ phải đi lại tốn kém và mất thời gian.

Ông Trinh cũng cho hay, câu chuyện công nhận văn bằng của các tổ chức nước ngoài cho người Việt Nam bắt đầu có từ năm 2008 sau khi chúng ta có Quyết định 77. Quyết định này là công cụ đầu tiên của Nhà nước về việc công nhận văn bằng, qua yêu cầu thực tiễn, Bộ GD&ĐT thấy rằng cần phải điều chỉnh, nhưng phải điều chỉnh thế nào để không không đi ngược lại với xu thế của thế giới thì hiện Bộ này đang trong quá trình xây dựng.

MỚI - NÓNG