Bộ GD&ĐT chưa đạt mục tiêu giảm biên chế viên chức

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng báo cáo đoàn giám sát
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng báo cáo đoàn giám sát
TPO - “Đưa vào biên chế rồi đưa ra rất khó. Nên bỏ biên chế đơn vị sự nghiệp, kể cả ở các trường và các đơn vị hành chính”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Mạnh Hùng nêu.  

Ngày 2/3, báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ GD&ĐT Trịnh Xuân Hiếu cho biết, giai đoạn 2011 – 2016, bộ tăng một tổ chức hành chính (Vụ Thi đua – Khen thưởng) và 6 đơn vị thuộc cục, văn phòng. Theo ông Hiếu, việc tăng, giảm các đơn vị trên đều do yêu cầu thực tiễn, nhưng không làm phát sinh biên chế công chức hành chính.

Theo đoàn giám sát, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ GD&ĐT tương đối ổn định, tuy nhiên, việc giảm biên chế công chức chưa đạt mục tiêu. Số viên chức được giao là 35.077, số người cần giảm là 3.507, song con số thống kê ở thời điểm 12/2016 là 32.900 người, vẫn cao hơn mục tiêu đặt ra là 1.330 người.

Bên cạnh đó, mặc dù biên chế công chức hiện có là 504 người trên 605 biên chế được giao, nhưng tại các đơn vị hành chính thuộc bộ có đến 136 lao động hợp đồng, trong đó có 40 hợp đồng làm công tác chuyên môn là không hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến những băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tinh giản biên chế công chức của bộ từ nay đến năm 2021.

Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, bộ chưa hề tổ chức thi tuyển dụng công chức, mà chủ yếu thực hiện tiếp nhận không qua thi tuyển và ký hợp đồng lao động.

Lý giải điều này, ông Trịnh Xuân Hiếu cho biết, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT có 40 trường hợp hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, trong đó có 25  trường hợp làm công tác chuyên môn như chuyên viên, 15 trường hợp còn lại làm công việc đơn giản, nhân viên kỹ thuật. Nhưng nội dung công việc trong hợp đồng đã ký không đúng với quy định của Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Bộ sẽ tổng rà soát lại, trên cơ sở số lượng hiện có  sẽ tổ chức thi tuyển công chức, công khai, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa nhận, tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động trong các đơn vị là lớn. Bộ sẽ quán triệt nghiêm túc chủ trương cấp vụ không có cấp phòng. Hiện cả bộ có 18 phòng, nếu giảm đi, mỗi phòng có 3 lãnh đạo thì sẽ giảm được 54 lãnh đạo, chỉ còn vụ trưởng, vụ phó. Đối với các cục cũng vậy, sẽ giảm số lượng phòng trong cục đến mức tối thiểu và phải giảm thấp nhất tỷ lệ lãnh đạo quản lý, nhưng vẫn đảm bảo được nhiệm vụ.

Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến trong đoàn giám sát đề nghị bỏ biên chế trong đơn vị sự nghiệp để giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách, thực hiện hợp đồng hành chính, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đồng tình với quan điểm bỏ biên chế đơn vị sự nghiệp tại các trường, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải, thực tế nhiều trường hợp khi được tuyển dụng, có biên chế thường thấy “yên tâm cả đời”, sự nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn là không tốt. Nếu thực hiện hợp đồng, có cạnh tranh, đào thải sẽ buộc họ phải phấn đấu hơn.

“Đưa vào biên chế rồi đưa ra rất khó. Nên bỏ biên chế đơn vị sự nghiệp kể cả ở các trường và các đơn vị hành chính”, Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.