Bộ GD&ĐT công bố phương án một kỳ thi quốc gia

Bộ GD&ĐT họp báo chiều 9/9. Ảnh: Thanh Hà
Bộ GD&ĐT họp báo chiều 9/9. Ảnh: Thanh Hà
TPO - 16h30 hôm nay 9/9, Bộ GD&ĐT họp báo, chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, mỗi thí sinh thi 4 môn gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ (bắt buộc) và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp và tuyển sinh từ năm 2015.

Mở đầu họp báo, ông Phạm Ngọc Phương – Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT thông báo nội dung cuộc họp báo gồm 2 phần chính: Một số số liệu và kết quả năm học 2013 và 2014; nhiệm vụ, phương hướng triển khai trong năm học 2014 - 2015.

Khái quát chung các ý kiến về kì thi quốc gia

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì họp báo.

Theo Bộ GD&ĐT, sau khi dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được công bố, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục đã lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ, giáo viên. Phần lớn các ý kiến nhất trí nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và tổ chức vào tháng 6 hàng năm.

Đa số ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (phương án 1), vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông.

Kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo.

Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng dẫn đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015, vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ

Hâu hết ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của kỳ thi quốc gia giống kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Hiệu trưởng các trường đại học làm chủ Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng và cán bộ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đại học tham gia coi thi và chấm thi.

Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá.

Bên cạnh đó, nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng dự thi.

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do sở GD&ĐT chỉ đạo; Duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung”, vì cách thức thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển. 

Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện việc tổ chức kỳ thi; đồng thời dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chứ kỳ thi. 

Sau phần trình bày khái quát chung các ý kiến về kì thi quốc gia, do ông Phạm Ngọc Phương trình bày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Phương án đưa ra là khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay.

Sau đó, phóng viên báo chí bắt đầu đặt câu hỏi xung quanh đến kì thi THPT quốc gia.

Trả lời phóng viên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, nói, đề thi năm 2015 sẽ khá giống với đề thi đại học năm 2014, tiếp tục ra đề mở.

Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Đề thi cố gắng tiếp tục đổi mới để tiếp cận dần với SGK mới triển khai và các em không cảm thấy thay đổi đột ngột.

Việc miễn thi ngoại ngữ, ông Nghĩa cho rằng, Bộ GD&ĐT sẽ có quy định cụ thể về chứng chỉ ngoại ngữ nào được miễn, chứ không phải chứng chỉ nào đưa ra cũng được miễn thi. Các chứng chỉ quốc tế sẽ được miễn.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục cho biết thêm: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.

Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các Cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia, do các trường đại học chủ trì.

Liên quan thi theo cụm với thí sinh trượt tốt nghiệp và việc lo ngại ách tắc giao thông những ngày thi, ông Mai Văn Trinh nói, phải đảm bảo 3 vấn đề: Nhân lực (đội ngũ cán bộ…); số lượng thí sinh tham gia; đảm bảo thuận lợi cho thí sinh đi lại.

Theo ông Trinh, các kỳ thi 3 chung đều không xảy ra tắc nghẽn giao thông.

Những thí sinh trượt kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, sẽ đăng ký thi tiếp, học sinh đã tốt nghiệp sẽ đăng ký chọn các môn để thi tuyển sinh. 

Trả lời câu hỏi việc Bộ GD&ĐT có áp đặt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, không đặt ra vấn đề tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, mà lệ tỉ này do học sinh.

"Nhưng tôi nghĩ sẽ không có biến động nhiều, năm ngoái điểm thi phân bố đều".

Năm nay thí điểm sẽ công khai hết, đưa lên mạng, kèm thống kê nhất định. Trường dựa vào đó để chọn thí sinh, thí sinh dựa vào đó chọn trường. Chủ trương này có ngay từ đầu - ông Hiển nói.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD&ĐT sẽ sửa lại những điểm chưa ổn trong quy chế để có pháp lý thực hiện việc tổ chức kì thi THPT quốc gia.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Khác với trước đây, thí sinh đăng ký nguyện vọng trước, ở kì thi THPT quốc gia, thí sinh dùng kết quả để đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu của các trường. Nghĩa là đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Việc đăng ký tùy thuộc vào nguyện vọng của thí sinh với yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Trước câu hỏi về thi cụm có quả tải, ông Bùi Văn Ga cho biết, sẽ bố trí cụm thi. Bộ GD&ĐT sẽ tính toán trên các cở sở 4 cụm thi vừa qua, bố trí cụm thi có khoảng 30.000 - 40.000 thí sinh trở lại, không sợ quá tải.

Về câu hỏi tổ chức kì thi quốc gia sẽ phải thay đổi nhiều quy chế hiện hành, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Bộ GD&ĐT sẽ sửa lại quy chế để có pháp lý thực hiện việc tổ chức kì thi THPT quốc gia.

Liên quan định hướng kỳ thi sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: Hướng thi sẽ phù hợp chương trình của sách giáo khoa mới, nhưng việc ra đề sẽ khó hơn và mở rộng hơn. Việc thi Ngoại ngữ cũng sẽ thay đổi. Như vậy, đường lối chung là không thay đổi nhưng về chi tiết sẽ thay đổi. 

Ông Mai Văn Trinh nói về vấn đề liên quan nội dung đề thi năm nay, sẽ kế thừa thành công của năm 2014. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Đề thi sẽ đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.  Làm sao để kết quả này đủ tin cậy để các trường làm cơ sở dữ liệu để xét tuyển đại học, cao đẳng. 

Về học sinh giỏi đạt giải quốc tế, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, quy chế tuyển sinh đã có các danh mục ngành nghề để lựa chọn cho đối tượng này.

Ví dụ, học sinh giỏi quốc tế môn toán, vật lý…, sẽ được chọn các ngành nghề tương ứng để phát huy năng lực hiệu quả hơn.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT cũng đưa vào quy chế tuyển sinh ưu tiên theo khu vực.

Quyết định

Trước đó, chiều 9/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chính thức ban hành Quyết định số 3538, phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015.

Theo đó, kì thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.

Mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lí.

Bộ GD&ĐT công bố phương án một kỳ thi quốc gia ảnh 1

Ảnh: Thanh Hà

Kết quả của bốn môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. 

Theo Bộ GD&ĐT, đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức thi là tổ chức một Kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình: Phương án của Bộ hợp lý, không gây xáo trộn

Ông Bình nói:

Bộ GD&ĐT vừa quyết định phương án về một kì thi quốc gia. Phương án này khả thi hơn và ít gây những xáo trộn trong việc dạy học và cả tâm lí người học, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Phương án này có lợi cho học sinh, vì ngoài 3 môn bắt buộc, là môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, học sinh có thể chọn một môn phù hợp năng lực, ít áp lực cho người dạy học và làm công tác quản lí (trong khi các năm trước ngoài 3 môn thi bắt buộc môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, Bộ còn chọn thêm 3 môn thi nữa).

Tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, cũng như việc tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng cũng giảm tải áp lực đáng kể.

Đối với thí sinh và gia đình, do chỉ còn một kỳ thi duy nhất được tổ chức thành các cụm thi, để các em lựa chọn cụm thi phù hợp, được chủ động đăng ký các môn thi, không phải tham gia nhiều đợt thi như trước đây, nên thí sinh và gia đình các em sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí.

Lo lắng lớn nhất là độ chính xác của kỳ thi, làm sao kết quả đó đảm bảo hệ số chính xác cao nhất cho phép các trường đại học, cao đẳng, làm căn cứ tuyển sinh.  Đây là kì thi đầu tiên nên chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế thi chặt chẽ. Rõ ràng, sẽ có nhiều khó khăn vì đây là kì thi hoàn toàn mới.

Nhờ có sự tham gia của các đại học với vai trò chịu trách nhiệm chính, địa phương và lãnh đạo các sở GD&ĐT, các trường cùng phối hợp thực hiện sẽ tăng cường khâu giám sát, mức độ nghiêm túc kỷ luật chắc chắn sẽ hơn trước.

> Nhiều điểm mới trong kỳ thi quốc gia năm 2015

> Một kỳ thi quốc gia: Mỗi thí sinh thi tối thiểu bốn môn

> TOÀN CẢNH VỀ CHỦ ĐỀ MỘT KỲ THI QUỐC GIA

MỚI - NÓNG