Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An) chia sẻ, quy chế phá bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH năm nay sẽ gây một số khó khăn cho cả các cơ sở đào tạo nghề lẫn thí sinh. Theo ông Đàm, đối với thí sinh, lâu nay các em vẫn gặp khó khăn trong phân luồng, định hướng nghề nghiệp nên có tâm lý học xong THPT phải vào ĐH. Trong khi đó, nhiều trường ĐH chạy theo lợi nhuận, mở toang cánh cửa để tuyển sinh mà không quan tâm đến chất lượng đầu ra.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội ông Đồng Văn Ngọc cũng có nhiều trăn trở với quy chế tuyển sinh năm nay. Theo ông Ngọc, Bộ GD&ĐT không chỉ bỏ điểm sàn mà còn cho thí sinh đăng ký kéo dài thời gian và không giới hạn nguyện vọng là không phù hợp với tình hình giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Bởi từ lâu nay, Việt Nam chưa làm tốt công tác phân luồng, phụ huynh, học sinh vẫn có tâm lý “sính” bằng cấp, “sính” học ĐH. Chưa kể, khi tốt nghiệp ra trường, các đơn vị tuyển dụng vẫn chưa căn cứ vào năng lực làm việc của người lao động mà căn cứ vào bằng cấp. Do đó, ông Ngọc dự báo năm 2017 sẽ là năm cực kỳ khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghề. Đặc biệt các trường nghề chưa có thương hiệu, vùng sâu vùng xa có thể không tuyển sinh được phải rơi vào cảnh đóng cửa. Trong khi các trường nghề vùng sâu vùng xa phải có cơ chế ưu tiên để họ đào tạo lao động cho các địa phương.
Hiệu trưởng một cơ sở đào tạo nghề cho biết, năm 2015-2016, khi còn “cánh cửa rào cản” thí sinh vào ĐH thì trường tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu trong vòng 3 tháng. Nhưng mùa tuyển sinh năm 2017 trường dự đoán công tác tuyển sinh sẽ khó khăn, phức tạp. Do đó, ngay từ thời điểm này, trường phải lên chiến lược tuyển sinh nếu không muốn bị chết yểu. Ông Hồ Văn Đàm cũng chung quan điểm ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, trường phải đến các trường THPT để giới thiệu nghề, trong đó, điều quan trọng là phải khẳng định với học sinh, phụ huynh trường đảm bảo tỉ lệ khoảng 80% học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay để hút thí sinh.
Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện cả nước có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, hệ cao đẳng có gần 200 cơ sở, trung cấp có 280 cơ sở và gần 1.000 trung tâm đào tạo nghề. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh trên dưới 2 triệu học viên ở cả 3 hệ gồm: Cao đẳng, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Trong đó, tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay chiếm khoảng 75%, ở một số nghề trọng điểm tỉ lệ này lên tới 90%.