Bố đánh con tứa máu: 'Tôi chấp nhận tiếng ác để dạy con'

“Tôi chỉ hối hận nếu con vẫn hư hỏng khi mình làm đến mức mang tai tiếng thế này. Tôi chấp nhận tiếng ác để con nên người”, người cha đánh con trai tứa máu, bầm tím mông nói.

Sau khi hình ảnh cậu bé 13 tuổi tên Long bị bố đánh tứa máu, bầm tím mông được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc, chỉ trích gay gắt hành động của người cha.

Ông Linh (bố Long) đã trần tình về hành động của mình trong lúc tức giận, không kiềm chế được bản thân nên đánh con mạnh tay.

Người bố trần tình


Chia sẻ với phóng viên
 qua điện thoại, ông Linh cho biết con trai mình học lớp 7, Trường THCS Hương Sơn (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). 

Ông và vợ ly hôn từ năm 2012, có hai con chung, Long là con đầu. Vợ ông nuôi con thứ hai tại Hà Giang.

Ông đã tái hôn, sống và làm việc tại Bắc Ninh. Long sống cùng bà nội ở Thái Nguyên. Mỗi tháng, ông về thăm con 1 – 2 lần và hàng ngày gọi điện hỏi han tình hình hai bà cháu.

Sáng 6/10, người cha nhận được thông tin nhà trường báo nghi Long lấy cặp sách của thầy giáo và một chiếc xe đạp. Ngay lập tức, ông Linh từ Bắc Ninh về Thái Nguyên tìm con trai. Trước đó, cậu bé bỏ đi chơi, không về nhà đã mấy hôm.

Tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng, bố Long tìm thấy em trong quán điện tử. Trong lúc ông Linh trả tiền cho chủ quán, cậu bé bỏ chạy.

Người bố kể khi đó, ông rất tức giận vì đi đường xa về tìm mà con lại bỏ chạy như người xa lạ. Sau khi đuổi kịp và đưa con về nhà, ông lấy roi tre đánh vào mông con với mục đích hỏi rõ việc Long có lấy trộm xe đạp và cặp sách hay không.

Dù bị đòn đau, Long vẫn khẳng định mình không lấy trộm. Sau đó, bố cậu bé tiếp tục về Bắc Ninh làm việc.  

"Tôi chấp nhận mang tiếng ác để con nên người. Tôi chỉ hối hận nếu con vẫn hư hỏng khi mình đã làm đến mức mang tai tiếng thế này”, ông Linh nói.

Người cha cho biết thêm từ mùa hè vừa rồi, Long trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Cậu bé còn lấy trộm tiền của bà nội, theo bạn bè đi chơi. Đặc biệt, Long còn bị chủ quán điện tử giữ xe đạp vì nợ tiền.

Bố đánh con tứa máu: 'Tôi chấp nhận tiếng ác để dạy con' ảnh 1

Hình ảnh Long bị bố đánh tím mông được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

'Lỗi của người lớn'


Khi thấy con trai bị đánh bầm nát phần mông, mẹ Long nói bà rất đau lòng. Người mẹ chỉ biết chạy ra ngoài ngồi khóc vì thương con. 

Mẹ Long kể bà từ Hà Giang về thăm con, nghe hàng xóm bảo con hư nên chị mắng và vụt con hai roi ở chân. Lúc này, cậu bé 13 tuổi nằm sấp trên giường, không hề kêu đau hay kể chuyện vừa bị bố đánh.

Thấy quần con thấm máu, chị vạch ra thì phát hiện phần mông của Long tứa máu, bầm tím và sưng to. Ngay lập tức, chị nhờ người đem con lên Bệnh viện huyện Phú Bình.

Tại đây, các bác sĩ nhận định Long bị bầm nát thịt, chấn thương phần mềm và bầm tím u tay phải. Một nhân viên y tế thấy trường hợp của Long bị đánh nghiêm trọng đã gọi báo công an và chụp ảnh đăng lên Facebook tố cáo hành động của bố cậu bé.

“Tôi đau xót và thương con lắm. Con bị đánh đau đớn, không đi nổi mà tôi không biết, lại còn đánh mắng nó. Việc Long lấy trộm đồ chưa có kết luận mà bố lại đánh con như vậy. Tôi không tưởng tượng nổi”, mẹ Long bức xúc nói.

Chị này cho biết thêm con trai mình đang điều trị tại bệnh viện. Chị dự định làm đơn yêu cầu được nuôi con.

Theo cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Long, nam sinh hòa đồng với bạn bè. Tuy nhiên, việc chấp hành nề nếp của Long chưa tốt, còn gây mất trật tự trong lớp.

Ngoài ra, em có bỏ học đi chơi điện tử với bạn, không về nhà. Việc Long có lấy trộm đồ hay không chưa thể khẳng định mà phải chờ kết quả điều tra của công an.

Cô Huyền cho hay hoàn cảnh của Long khá đặc biệt, không nhận được sự quan tâm của bố mẹ.

“Trong việc này, lỗi chủ yếu là của bố mẹ Long. Đáng ra, bố mẹ phải ngồi lại động viên, tâm sự, giáo dục con vì đây là lứa tuổi thay đổi nhiều về tâm, sinh lý. Khi nhận được thông tin Long bị bố đánh, tôi rất bất ngờ bởi trước đó anh ta quả quyết chưa bao giờ đánh con", cô Huyền chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng khẳng định cô luôn khuyên phụ huynh này đừng bao giờ đánh con vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc học và tâm lý của em.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG