Trong tháng 5 &6-2010, nhiều người dân phải mua máy nổ vì bị cúp điện thường xuyên. Ảnh: Đại Dương. |
Dự báo chưa sát thực tế
Báo cáo cho biết, do phải ưu tiên cho khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên tỷ lệ điện năng tiết giảm tại một số công ty điện lực cấp tỉnh có nơi lên đến 15% - 26%. Lượng điện tiết giảm chủ yếu tập trung ở điện sinh hoạt nông thôn. Tại một số tỉnh có tỷ trọng công nghiệp - xây dựng lớn có tình trạng cắt điện sinh hoạt trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt đối với chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân của việc thiếu điện là tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện mới dự kiến đầu năm 2010 đều bị chậm trên 6 tháng, làm ảnh hưởng đến cân đối nguồn. Một số nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành cuối năm 2009, đầu năm 2010, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm như nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh 1, Sơn Động đều không vận hành ổn định, liên tục xảy ra sự cố nên khả năng phát điện rất hạn chế.
Hiện công tác dự báo nhu cầu điện, đánh giá ảnh hưởng của thời tiết đến nhu cầu phụ tải điện cũng như đánh giá khả năng cung cấp điện của các nguồn điện của bộ chưa sát thực tế, dẫn đến việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện bị động.
Cũng theo Bộ Công Thương, sau hơn 4 năm theo dõi thực hiện Tổng sơ đồ VI, cơ chế chỉ huy, điều hành để đưa các dự án nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ nhưng kém hiệu quả. Chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện.
Nguy hiểm, nếu giá điện chạy theo thị trường
Một bất cập nữa là đến nay, các cơ quan vẫn chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động của thị trường. Hiện nay, Thủ tướng đã cho phép bán than theo giá thị trường. Bởi thế, với các nhà máy nhiệt điện chạy than không thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), khi ký hợp đồng bán điện, đã được phép điều chỉnh giá bán điện, khi giá than tăng.
Theo tiến độ được duyệt các nguồn điện mới của Tổng sơ đồ VI, đến hết năm 2009, tổng công suất của toàn hệ thống phải đạt 21.062MW, tuy nhiên trên thực tế chỉ đạt 18.400MW, trong đó một số dự án quan trọng như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Mạo Khê, thủy điện Đồng Nai 3… có tiến độ bị chậm so với quy hoạch đến gần 2 năm. |
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu có cơ chế cho phép chuyển các chi phí đầu vào của giá điện vào giá bán lẻ trong khi chưa có thị trường điện hoạt động cạnh tranh. Khi giá điện phải tăng, lên tới 10 - 20%/năm thì sẽ ảnh hưởng nhiều tới lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.
Tình trạng thiếu nguồn điện còn xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu tổ chức ngành điện hiện tại. Với cơ cấu tích hợp (gồm cả phát, truyền tải, phân phối, mua bán điện, điều hành hệ thống điện) sẽ không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các nguồn điện mới để đảm bảo hệ thống có đủ công suất cần thiết.
“Để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nguồn điện trong tương lai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện, để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”- Bộ Công Thương đề nghị.