Bộ Công an kiểm tra thực địa dự án 'Biển Quê Hương' ở Phan Thiết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 24/3, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an phối hợp cùng Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực địa tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (thuộc TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam) liên quan đến nội dung tố cáo của công dân.

Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương là một trong các dự án mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Bình Thuận.

Theo hồ sơ, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016 cho Công ty TNHH Biển Quê Hương-Phan Thiết (trước đây là Công ty CP Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam) có diện tích 125.419,8m2. Trong đó, hơn 104.000 m2 nằm trên địa bàn xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và hơn 20.600 m2 đất thuộc xã Tiến Thành (TP Phan Thiết).

Bộ Công an kiểm tra thực địa dự án 'Biển Quê Hương' ở Phan Thiết ảnh 1

Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương bị Bộ Công an kiểm tra thực địa.

Đáng chú ý, trong diện tích 104.811,3m2 (10,48ha) tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam giao cho dự án nêu trên có 7,17ha rừng phi lao phòng hộ ven biển được trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cách đây 30-40 năm để chắn sóng, chắn gió, chống cát bay, chống sự xâm nhập của nước mặn... để bảo vệ đất sản xuất.

Sau khi có quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016 chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Biển Quê Hương đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, chủ đầu tư đã thuê người khai thác diện tích 7,17ha rừng phòng hộ phi lao ven biển, vận chuyển đi nơi khác, thuê xe san ủi đất.

Sau khi Công ty TNHH Biển Quê Hương khai thác xong, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định số 999/QĐ -UBND ngày 18/4/2018 phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và hơn một năm sau, UBND tỉnh Bình Thuận mới có tờ trình số 1979/TTr-UBND ngày 5/6/2019 trình HĐND tỉnh Bình Thuận và sau đó HĐND tỉnh có Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 thông qua chủ trương chuyển diện tích rừng trồng sang mục đích khác tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương.

Dư luận ở Bình Thuận đặt vấn đề, cho dù 7,17ha rừng phi lao phòng hộ ven biển có chuyển sang mục đích khác thì rừng này vẫn là tài sản của nhà nước, tại sao không thực hiện đấu giá theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 119 của Luật Đất đai 2013?

Ngoài ra, trong tổng diện tích 125.419,8m2 (12,54 ha) có 104.811,3m2 (10,48 ha) tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam có mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ thuộc địa bàn điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định tại Phụ lục số II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014, nhưng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương không thuộc là ngành, nghề ưu đãi theo quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2014 và tại Phụ lục I Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014.

Bộ Công an kiểm tra thực địa dự án 'Biển Quê Hương' ở Phan Thiết ảnh 2

Rừng phi lao trong khu đất được giao làm dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương đã bị đốn hạ.

Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Biển Quê Hương. Dự án này được điều chỉnh xây khách sạn cao tầng, biệt thự để bán và cho thuê theo vòng đời của dự án. Riêng hơn 2 ha rừng dương hiện hữu ở xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) phải bảo tồn và phát triển dành cho sinh hoạt cộng đồng, không kinh doanh.

Tháng 11/2019, UBND tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục ra quyết định phê duyệt giá trị bồi thường 7,17 ha rừng ở dự án trên chỉ với giá 195 triệu đồng (tức 1.000 m2 rừng chỉ có giá 2,7 triệu đồng). Một tháng sau, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bán đấu giá gần 1.000 m3 gỗ từ việc phá rừng phi lao này với giá hơn 330 triệu đồng và toàn bộ rừng trồng hơn 20 năm tuổi đã bị triệt hạ.

Trả lời về dự án Biển Quê Hương, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, đối với phần đất thuộc TP. Phan Thiết, dự án do Công ty TNHH Biển Quê Hương-Phan Thiết làm chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng, không kinh doanh nên thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 54 Luật Đất đai 2013, và thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm a khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Riêng phần đất dự án nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được miễn tiền thuê đất 7 năm theo quy định khoản 3 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ, nên không thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Việc giao đất làm dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, công dân tại Bình Thuận có đơn tố cáo làm rõ căn cứ giao đất không qua đấu giá.

MỚI - NÓNG