Bộ Công an dự thảo nghị định cho phép người dân đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
TPO - Bộ Công an hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điểm mới trong Dự thảo Nghị định lần này, người dân có thể đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Theo Bộ Công an, qua hơn 7 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 3/5/2020), cơ quan chức năng đã tạm giữ, tịch thu 17.460.000 tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong đó, đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỷ đồng, bao gồm số tiền là tang vật, phương tiện vi phạm và số tiền thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm).

Để bảo đảm việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính, ngày 1/9/2021, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian. Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.

Đáng chú ý, điểm mới trong Dự thảo Nghị định lần này, người dân có thể đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Cụ thể, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó. Trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh cũng được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 15.

Điều 15: Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó.

Trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh như sau: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện để được giữ, bảo quản phương tiện…

Trong thời hạn không quá 2 ngày, đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh nhưng trong thời hạn không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không đồng ý việc đặt tiền để bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

MỚI - NÓNG