Bỏ con dấu trên văn bằng: Tại sao không?

Có nhiều ý kiến đặt vấn đề về sự tồn tại, quan niệm và giá trị của con dấu trên các loại bằng cấp. Trong bối cảnh hiện nay, nên mạnh dạn xem xét điều này.
Nên sớm thay đổi quan niệm xem trọng, đánh giá quá cao giá trị của con dấu trên bằng cấp của VN hiện nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có nhiều ý kiến đặt vấn đề về sự tồn tại, quan niệm và giá trị của con dấu trên các loại bằng cấp. Trong bối cảnh hiện nay, nên mạnh dạn xem xét điều này.

Con dấu còn bị làm giả thì cần gì dấu!

Khi đưa ra câu hỏi có nên bỏ con dấu trong các văn bằng, phần lớn ý kiến mà phóng viên Báo Thanh Niên nhận được là sự đồng tình đi kèm với một số điều kiện.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khi có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tốt, con dấu trên bằng cấp hiện nay trở thành vô nghĩa. Đơn vị sử dụng lao động chỉ cần lên mạng, xem thông tin cá nhân (cơ bản) của người ứng tuyển là có thể nắm rõ người đó có học tại trường ĐH và có quá trình học tập thế nào. Lúc này, có con dấu hay không sẽ không quan trọng nữa. Chúng ta đang dùng con dấu phân biệt thật giả nhưng con dấu còn bị làm giả thì cần gì con dấu!

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ông có 2 bằng thạc sĩ học tại nước ngoài. Một bằng của ĐH tự do Brussels và một bằng của Trường ĐH South Australia. Trong đó, bằng Trường ĐH South Australia có một khuôn dấu có biểu tượng trường và tên trường. Bằng của Trường ĐH tự do Brussels cũng được in trên giấy khá đặc biệt, có khuôn dấu. Song về nguyên tắc, giá trị nằm ở hai chữ ký trên bằng (hiệu trưởng và chủ nhiệm chương trình). “Có thể nói, bằng của hai trường đều có dấu nhưng chỉ mang tính chất biểu tượng. Tuy nhiên, cả hai trường đều cung cấp dịch vụ xác nhận tính trung thực của bằng”, ông Bình cho biết.

Phải vượt qua được thói quen

PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết việc bỏ con dấu trên văn bằng và đưa dữ liệu lên mạng để đơn vị sử dụng lao động tra cứu rất khả thi vì thế giới đã làm từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, có một thứ mà VN chưa vượt qua được: thói quen. Để thay đổi thói quen, cần có thời gian.

Nhiều nước trên thế giới, văn bằng tốt nghiệp không thể hiện con dấu, thay vào đó để kiểm tra tính pháp lý chỉ cần dựa vào số hiệu văn bằng. Mà số hiệu này, trường cấp bằng có thể công bố công khai để người sử dụng kiểm chứng một cách dễ dàng

Tiến sĩ Trần Đình Lý
Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Theo ông Đức, hằng ngày Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đều có bộ phận chuyên xác nhận yêu cầu của đơn vị tuyển dụng về người ứng tuyển có học tại trường hay không. Ngoài ra, trường cũng đưa thông tin sinh viên tốt nghiệp lên website, đơn vị tuyển dụng chỉ cần lấy mã số nhập vào là biết được thông tin. “Nhưng để bỏ hẳn con dấu thì không đơn giản. Một là phải mạnh dạn giảm bớt sự nghiêm trọng của việc quản lý phôi bằng, tin vào các trường, kiểm tra từ gốc. Đơn vị tuyển dụng cũng cần có thói quen truy vấn gốc. Dần dần tiến tới đơn giản hóa bằng cấp. Nhiều nước chỉ in bằng từ giấy in màu nên chi phí quản lý rẻ hơn chúng ta nhiều. Bằng chỉ là thể hiện, phần gốc chính là ở dữ liệu của các trường”, ông Đức nói.

    

Còn TS Trần Vinh Dự, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, cho rằng nhiều bằng cấp ở nước ngoài không cần con dấu. Tuy nhiên, theo ông Dự, việc bỏ con dấu trên bằng cấp phải là chủ trương thống nhất từ cấp nhà nước xuống các đơn vị và phải đồng bộ.

Cùng quan điểm này, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khẳng định nếu được thống nhất triển khai đồng bộ từ đơn vị cấp bằng tốt nghiệp đến nơi sử dụng các văn bằng này thì phương án bỏ con dấu trên văn bằng, chứng chỉ sẽ rất hay. “Nhiều nước trên thế giới, văn bằng tốt nghiệp không thể hiện con dấu, thay vào đó để kiểm tra tính pháp lý chỉ cần dựa vào số hiệu văn bằng. Mà số hiệu này, trường cấp văn bằng có thể công bố công khai để người sử dụng văn bằng kiểm chứng một cách dễ dàng”, ông Lý khẳng định.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. “Văn bằng không con dấu hoàn toàn không có vấn đề gì vì thực chất đó chỉ là cơ sở nhận diện ban đầu về văn bằng của VN hiện nay. Con dấu trên văn bằng tốt nghiệp ở nhiều nước trên thế giới chỉ thể hiện dấu hiệu nhận diện trường, không mang ý nghĩa pháp lý”, ông Sơn nhận định.

Bằng giả bởi... con dấu

Bằng giả là một trong những điều lo ngại hiện nay. Đó không chỉ là nỗi lo của doanh nghiệp mà của cả các trường học.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khẳng định chính sự tồn tại của con dấu là điều kiện để phát sinh nạn bằng giả. Thạc sĩ Sơn cho rằng qua quá trình xác minh văn bằng tại trường, bằng giả thường làm giả con dấu và chữ ký nên nếu không có con dấu, có khả năng sẽ giảm được đáng kể tình trạng giả văn bằng như hiện nay.

Lãnh đạo một trường THPT chuyên tại TP.HCM cho biết ở nước ngoài, kết quả học tập, bằng tốt nghiệp, người ta thường công bố trên hệ thống lưu trữ của các trường. “Trong khi ở VN, từ xưa đến nay, người ta cứ đinh ninh rằng bằng cấp, chứng chỉ là phải có dấu đỏ. Chính vì vậy các đơn vị tuyển dụng cũng căn cứ vào dấu đỏ để coi đó là bằng thật, để tuyển người. Và chỉ đến khi có nghi ngờ gì đó, người ta mới xác minh lại bằng cấp, rất mất thời gian và gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này nói.

Vẫn phải xác minh dù có dấu

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết  hằng năm Sở đều nhận nhiều văn bản đề nghị xác minh tính chân thật của bằng tốt nghiệp THPT. Đây là một trong những văn bằng các ứng viên phải nộp cho các đơn vị tuyển dụng. Nói về những thủ tục hành chính nhiêu khê khi xác nhận độ chính xác của văn bằng, một hiệu trưởng trường quốc tế tại TP.HCM kể: “Trường tôi đã từng phải nhờ một trường ĐH thẩm tra bằng tốt nghiệp của ứng viên tuyển dụng. Trước hết trường phải làm công văn trình bày lý do đề nghị hỗ trợ sau đó gửi cùng với bản photo văn bằng qua trường ĐH. Và 4 tháng chúng tôi mới nhận được văn bản trả lời việc xác minh”. Chính vì vậy, vị hiệu trưởng này nói: “Trong xu thế xã hội phát triển, ngay chính phủ cũng sử dụng chính phủ điện tử để giảm bớt các thủ tục hành chính, cớ sao trong lĩnh vực giáo dục chúng ta không tính tới phương án nào vừa đảm bảo tính minh bạch cao, giảm bớt các đầu mối công việc, giảm thiểu thời gian thực hiện... Việc sử dụng con dấu như hiện nay đi kèm với rất nhiều thủ tục nhiêu khê và cũng không thể hiện được hiệu quả của tính chân thật”.


Theo Thanh Niên