Rút ngắn tốc độ chạy tàu xuống 29 giờ:

Bộ chưa “quyết”, Tổng Cty ĐS cứ làm

Bộ chưa “quyết”, Tổng Cty ĐS cứ làm
Mặc dù có sự chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ GTVT, song rất tiếc đề án rút ngắn thời gian chạy tàu không được Tổng Cty ĐSVN xây dựng và báo cáo.

Đầu năm 2004, trên một số tờ báo, ông Nguyễn Hữu Bằng, TGĐ Tổng Cty ĐSVN  khẳng định sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu TN còn 29 giờ. Trước thông tin “ đáng mừng” này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải đường sắt không khỏi quan ngại. Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình, người có thâm niên trong ngành đường sắt không là ngoại lệ. Ngày 22/6/2004 Bộ trưởng Bình đã có thư công tác gửi đến Thứ trưởng Phạm Thế Minh (phụ trách vận tải); Cục trưởng Cục ĐSVN và TGĐ Tổng Cty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng.

Tài xế: vẫn quá nhiều bất trắc!

Một số tài xế của XN Đầu máy Hà Nội nói với PV Tiền phong, lộ trình miền Trung có vô vàn những điểm chạy chậm đột xuất khiến họ liên tục phải chạy “gỡ giờ” trên tuyến Thống nhất. Hầu hết các chuyến đi họ đều phải xử lý những tình huống phanh gấp “thót tim” vì ý thức tham gia giao thông của người dân dọc hành lang đường sắt quá kém. Điều này gây căng thẳng cho các tài xế suốt dọc hành trình. Họ cho biết, nếu ý thức người dân tốt hơn thì thời trình 29-30h không đến nỗi gây sức ép cho họ. Nếu tàu phải dừng lại để giải quyết một tình huống tai nạn thì đoàn tàu phải chạy 30 – 40km tiếp theo mới có thể bù lại thời gian dừng. Ngoài ra, nhiều đường ngang đang được mở ra tuỳ tiện, nhiều góc khuất chưa được điều chỉnh, và đây là mối nguy hiểm kinh hoàng cho các lái tàu. Họ khẳng định, tuy có những hoang mang, xúc động về vụ tai nạn nhưng tất cả anh em đã xốc lại tinh thần với quyết tâm cao,  hoàn thành tốt nhiệm vụ.  

Công văn nêu: Liên quan đến phát biểu của TGĐ Tổng Cty ĐSVN về việc rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc Nam xuống 28 giờ từ năm 2005, tôi đề nghị: Tổng  Cty ĐSVN báo cáo về đề án rút ngắn này trên cơ sở phân tích rõ việc bố trí nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay ngân sách bố trí cho việc nâng cấp đảm bảo ATGT còn chưa đủ, nhiều cầu yếu, nhiều đoạn đường chưa được đại tu nâng cấp, nhiều đường ngang chưa được đầu tư... Trên cơ sở báo cáo của tổng Cty ĐS, giao Cục ĐSVN thẩm định và đề xuất kiến nghị với Bộ để Bộ quyết định. Thứ trưởng Phạm Thế Minh sớm chỉ đạo vấn đề này báo cáo Bộ trưởng.

Nhận văn bản trên, Thứ trưởng Minh đã có chỉ đạo Cục trưởng Cục ĐS và  TGĐ Tổng Cty ĐS chuẩn bị đề án làm rõ tính hiện thực, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian chạy tàu, tổ chức thẩm định đề án báo cáo Bộ trưởng.

Ngày 30/6/2004, Cục ĐSVN có công văn số 34 gửi TGĐ Tổng Cty ĐSVN. Theo đó, Cục đề nghị Tổng Cty chuẩn bị và cung cấp một số nội dung chủ yếu liên quan đến đề án rút ngắn thời gian chạy tàu xuống 28 giờ như: Chủ trương của ngành ĐS về rút ngắn thời gian chạy tàu; Đề án rút ngắn thời gian chạy tàu được xây dựng; Thời gian dự kiến sớm nhất để báo cáo Bộ GTVT về đề án này. Công văn lưu ý: Đề án cần phân tích rõ việc bố trí nguồn lực trong điều kiện ngân sách cho việc duy tu bảo dưỡng hạ tầng còn chưa đáp ứng được, nhu cầu kinh phí cho đảm bảo chạy tàu còn thiếu. Đặc biệt đề án cần làm rõ tính hiện thực, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian. Cục ĐSVN cũng đã đề nghị Tổng Cty cung cấp các nội dung đã nêu vào ngày 10/7/2005.

Tổng Cty: “đội mũ phớt”

Mặc dù có sự chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ GTVT, song rất tiếc đề án rút ngắn thời gian chạy tàu không được Tổng Cty ĐSVN xây dựng và báo cáo. Thế nhưng, ngạc nhiên thay vào  14h ngày 1/12/2004, Tổng Cty ĐSVN đã tưng bừng tổ chức lễ dời ga của tàu Thống nhất hành trình 29 giờ (thay vì 28 giờ như ông Bằng đã tuyên bố ban đầu). Rõ ràng việc làm của Tổng Cty đã bỏ ngoài tai những điều đã được cảnh báo: Hạ tầng kém, cầu yếu, đường ngang chưa được đầu tư...

Tại buổi họp báo chiều 15/3, ông Nguyễn Đạt Tường, Phó Tổng GĐ Cty ĐSVN khi được hỏi về vấn đề này đã trả lời: “ Tổng Cty đã xin ý kiến Bộ rồi”. Không biết, việc “xin ý kiến” này có thực, và Bộ có đồng ý không? Tuy nhiên theo thông tin của chúng tôi, đến nay bản đề án này chưa được trình các cơ quan có thẩm quyền.

Lãnh đạo Tổng Cty ĐSVN tránh câu hỏi
của các nhà báo

Chiều 15/3, Tổng Cty ĐSVN đã tổ chức họp báo về vụ tai nạn lật tàu E1. Tuy nhiên, TGĐ Nguyễn Hữu Bằng không tham dự và rất tiếc, nhiều câu hỏi đã bị lãnh đạo Tổng Cty “bỏ qua”!

Trả lời PV Tiền Phong, ông Trần Văn Giao, GĐ Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội khẳng định, thời trình 29-30h cho các chuyến tàu nhanh Bắc – Nam sẽ không thay đổi sau vụ tai nạn nghiêm trọng này, và bằng lương tâm và trách nhiệm, ngành đường sắt sẽ làm hết sức mình để bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu tiếp theo. Cán bộ Tổng Cty sẽ theo quy chế phân trách nhiệm để chịu một hình thức kỷ luật về vụ việc. Ông Giao cho biết, về tốc độ tàu chỉ có thể kiểm soát theo cách tính thời gian khống chế từ ga A đến ga B chứ không có biện pháp giải quyết ngay khi lái tàu vượt tốc, sau đó hoàn toàn phụ thuộc vào hộp đen giải mã để xử lý các lái tàu. Theo ông Giao, các ga đỗ là nơi “giám sát tốc độ các chuyến tàu”! Tất cả tài xế đều được đào tạo bài bản và rất thạo đường, thạo nghề, nắm rõ tốc độ cho phép tại các cung. Hàng năm, ngành ĐS vẫn ra lệnh về tốc độ để các lái tàu theo đó thực hiện. Việc thưởng phạt đối với các lái tàu không phải “con dao hai lưỡi” đối với sự an toàn của chuyến tàu mà nó thúc đẩy việc thực hiện tốt công việc của các tài xế.

Lãnh đạo Tổng Cty cho biết, những năm qua ngành đã có những đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ĐSVN (nâng cấp đường ray, mua mới và sửa chữa toa xe, đầu máy...). Tuyến Thống nhất đã liên tục được rút ngắn thời gian chạy tàu từ 72h xuống còn 29h (7 lần rút), đây là nỗ lực lớn của ngành và của nhân dân. Tuy nhiên, địa hình giao thông có nhiều điểm hiểm trở, Tổng Cty gặp nhiều khó khăn về kinh phí cho nên nay vẫn đang từng bước hiện đại hoá tuyến đường TN (từ thời Pháp để lại) theo mô hình khổ đường hẹp, và sự an toàn của các chuyến tàu vẫn phụ thuộc yếu tố con người là chính. Tổng Cty khẳng định “không phải vì thành tích mà rút ngắn thời trình tuyến Thống nhất”.

Tuy nhiên có rất nhiều câu hỏi của các nhà báo đã không được lãnh đạo Tổng Cty thẳng thắn trả lời như: Có thực hiện được không việc bắn tốc độ khi tàu chạy? Vì sao tàu chưa mua bảo hiểm? Đề án cho thời trình 29-30h đã được duyệt chưa? Việc kinh doanh của ngành đường sắt những năm qua thế nào? Tài sản Nhà nước bị thiệt hại trong vụ này thì ai bồi thường? Bao nhiêu lái tàu đã bị xử lý kỷ luật vì chạy quá tốc độ? Lãnh đạo Tổng Cty có dám từ chức sau vụ này?... 

Khởi tố, bắt tạm giam bị can Bùi Thái Sơn

Bộ chưa “quyết”, Tổng Cty ĐS cứ làm ảnh 1
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam Bùi Thái Sơn
Như Tiền Phong thông tin, hôm qua (15/3), lái tàu Bùi Thái Sơn (SN 1962, trú tại Thanh Liệt, Thanh Xuân - Hà Nội) cùng lái phụ Hà Minh Tâm (SN 1979, Thanh Hà, Thanh Ba – Phú Thọ) và hai Trưởng tàu hành khách, Trưởng tàu an ninh đã đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh TT-Huế trình diện (vào hồi 13 giờ 30). Tại cơ quan CSĐT Công an TT-Huế, Bùi Thái Sơn đã thừa nhận lỗi điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép. Đến 16h10 cùng ngày, Thượng tá Phan Thanh Sum – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT CA TT-Huế - đã ký Quyết định số 06, ngày 15/3/2005, khởi tố bắt tạm giam 40 ngày đối với bị can Bùi Thái Sơn, được sự phê chuẩn của Viện KSND TT-Huế, với tội danh “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”, theo Điều 208 – Bộ luật Hình sự. Trước sự chứng kiến của đại diện Viện KSND TT-Huế và ngành đường sắt, vào lúc 16h30 cùng ngày, lệnh bắt tạm giam bị can đã được thực hiện tại ga Huế. Sau đó bị can đã được dẫn giải về Trại tạm giam Thừa Phủ (Công an TT-Huế).

Trao đổi với các cơ quan báo chí vào chiều 15/3, Đại tá Nguyễn Thanh Toàn – Phó Giám đốc Công an TT-Huế - cho biết: Cơ quan CSĐT đang tiếp tục mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan (gồm lái phụ, 2 trưởng tàu, thành viên tổ lái, tổ máy...). Tuy bị can Bùi Thái Sơn đã thừa nhận lỗi điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép, nhưng theo Đại tá Nguyễn Thanh Toàn, các tình tiết dẫn đến hành vi phạm pháp vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ.

MỚI - NÓNG