> Đại học cấm mặc đồng phục thể dục vào giảng đường
> Mặc sai đồng phục, hơn 100 HS bị 'đuổi'
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, trong bài trả lời phỏng vấn Tiền Phong nhân dịp khai giảng năm học mới, cũng đã đề nghị các tỉnh thành trên cả nước “cân nhắc để học tập, không làm khó cho phụ huynh”.
Lý giải về quyết định trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phan Hồng nói: “đồng phục chưa phải là nhu cầu bức bách so với nhu cầu đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay”. Đúng vậy! Chưa kể nguy cơ nhiều chiêu trò núp bóng hai chữ “đồng phục” để móc hầu bao phụ huynh, để chia chác làm vấy bẩn môi trường giáo dục.
Thực ra ở những nơi có điều kiện, học sinh rất nên mặc đồng phục. Vừa đẹp lại vừa tạo tâm thế bình đẳng, tự hào cho mọi học sinh về ngôi trường mình đang theo học. Thế nhưng, không có cũng chẳng sao, giàu có như nước Mỹ cũng chỉ các trường tư (thường có học phí cao) mới qui định đồng phục, còn những trường công không bắt buộc mặc đồng phục. Bản thân Bộ GD&ĐT nước ta cũng không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục.
Như vậy đã rõ, bản thân bộ đồng phục học sinh vốn rất đáng yêu, thậm chí trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ. Ở nước ngoài có khi đồng phục của mẹ đến thời con gái vẫn mặc được khi học đúng trường của mẹ, và họ coi đó là niềm tự hào, chứ không bỗng dưng thay đổi xoành xoạch như ở ta. Vừa rồi có trường ở ngoại thành Hà Nội nổi hứng bắt phụ huynh chốn thôn quê bỏ ra cả tạ thóc để mua đồng phục mới nom cứ như chú rể, cô dâu trong phim Hàn!?
Những hiện tượng kể trên chính là nguyên nhân khiến hai từ “đồng phục” có nơi, có lúc ở ta trở nên phản cảm trong dư luận xã hội. “Đồng phục” không có lỗi, chỉ những ai đang tâm lợi dụng nó để trục lợi mới đáng chê trách.
Thế nên, quy định thành văn của tỉnh Đắk Lắk về đồng phục học sinh rất đáng để các tỉnh, thành khác noi theo, bởi lỗ hổng trục lợi to tướng từ nay đã được bịt kín.
Lạm dụng hay lợi dụng quy định về đồng phục học sinh chỉ là một trong nhiều biến tướng của những tiêu cực, bất cập hiện nay trong giáo dục. Tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục không chỉ gây hại trước mắt mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau. Mối nguy hại đó thật khôn lường!