Cuộc chiến trên bán đảo Sinai, Ai Cập đã diễn ra từ năm 2011 mà vẫn chưa có hồi kết. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, người trước đó là Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, đã phát động cuộc chiến này với lý do “đất nước lâm nguy”, nhằm vào các nhóm phiến quân Hồi giáo, trong đó nhóm al-Tawhid Wal Jihad, có liên hệ với al-Qaeda và đặt địa bàn hoạt động lâu năm tại Sinai. Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, bị thương và mất nhà cửa bởi xung đột.
Theo thống kê, đã có hơn 1500 binh sĩ Ai Cập tử trận kể từ khi bắt đầu cuộc giao tranh cho đến nay. Hiện tại, trong hàng ngũ Quân đội Ai Cập đang tham chiến tại Sinai, bên cạnh những tổn thương thể xác, có không ít binh sĩ gặp phải các vấn đề về tâm lý. Đặc biệt, có những người bị sang chấn chỉ sau khóa huấn luyện kéo dài 45 ngày. Thế nhưng, văn hóa trong Quân đội Ai Cập không có chỗ cho tổn thương và mềm yếu. Nhiều binh sĩ đã phải tự đi chữa trị tâm lý, bởi quân đội không hỗ trợ họ.
Khi được hỏi về việc hỗ trợ tâm lý, người phát ngôn Quân đội Ai Cập không ngần ngại chia sẻ, nếu nhuệ khí giảm sút, sĩ quan chỉ huy sẽ đóng vai trò như một lãnh tụ tinh thần. Ở một số đơn vị đồn trú gần thủ đô Cairo, các thầy tu và giáo sĩ sẽ đến và nói chuyện với binh sĩ. Nhiều binh sĩ coi cuộc chiến tại Sinai là “chiến tranh Việt Nam”, bởi mức độ tàn khốc và những thương tổn có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi người lính.
Những tổn thương, sang chấn tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quân sự của các lực lượng Ai Cập tại Sinai. Mặc dù vậy, mọi thứ ngày càng trở nên xấu hơn, khi công tác hậu cần, hỗ trợ và cung cấp trang thiết bị, vũ khí cho binh sĩ không được coi trọng. Các tân binh chỉ được cung cấp quân trang, quân dụng có từ những năm 90 của thế kỷ trước, và thường bị thiếu khi trang bị cho toàn đơn vị. Một sĩ quan có tên Omar tiết lộ, phiến quân Hồi giáo còn được trang bị kính nhìn đêm từ năm 2014. Có thể thấy, chăm lo không chu đáo cho người lính đã khiến Ai Cập không thể giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch kéo dài suốt 8 năm qua.
Ahmed và Mohamed là hai binh sĩ Ai Cập hiện đang tham chiến tại khu vực bán đảo Sinai. Tuần trước, hai người vừa đến viếng thăm một đồng đội thân thiết đã tử trận, khi đơn vị của binh sĩ xấu số này bị phiến quân phục kích. Họ cho biết, người đã mất được cử nghi thức tang lễ quân đội, và được đặt tên cho một ngôi trường. Nghĩ về những gì đã diễn ra, Mohamed buồn buồn: “Tôi không muốn được đặt tên mình cho bất cứ ngôi trường hay nhà thờ nào. Tôi muốn sống cuộc đời của tôi”.