Bình Nhưỡng lưu ý Mỹ về vụ thất bại của tàu gián điệp Pueblo

Bình Nhưỡng lưu ý Mỹ về vụ thất bại của tàu gián điệp Pueblo
TP - Ngày 23/1, các hãng tin cho biết nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày CHDCND Triều Tiên bắt giữ được tàu gián điệp USS Pueblo của Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng sự kiện tàu Pueblo là bài học đắt giá cho Mỹ.

Phía Bình Nhưỡng khẳng định rằng điều này cũng chứng tỏ Bình Nhưỡng có thể đẩy lùi một cuộc xâm lăng từ bên ngoài.

Báo chí Bình Nhưỡng dẫn lời một quan chức CHDCND Triều Tiên phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày bắt giữ được tàu gián điệp USS Pueblo của Mỹ (23/1/1968) nói rằng:

Bằng chứng lịch sử này đã chứng minh trước toàn thế giới về chiến thắng của CHDCND Triều Tiên trong cuộc đối đầu với Mỹ nhằm bảo vệ phẩm giá và chủ quyền dân tộc.

Người đứng đầu của một nhóm chống đế quốc của CHDCND Triều Tiên tuyên bố: “Nếu Đế quốc Mỹ vẫn rắp tâm theo đuổi chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên và vạch kế hoạch để xâm lược Triều Tiên, họ sẽ phải chuốc lấy thất bại còn nhục nhã hơn thế”.

Cách đây đúng 40 năm, vào ngày 23/1/1968, tàu gián điệp USS Pueblo của Mỹ bị tàu hải quân CHDCND Triều Tiên, trong đó có cả tàu ngầm tốc độ cao, đuổi và bắt giữ cùng với 82 thuyền viên trên tàu. Các thuyền viên này bị phía CHDCND Triều Tiên giam trong nhiều tháng.

Sự kiện này góp phần đẩy chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson vào thế bí giữa lúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang ở đỉnh điểm thất bại đẩy quân đội Mỹ vào thế sa lầy ở miền Nam Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng về một giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã phải cử một đoàn đàm phán đến Bình Nhưỡng xin lỗi CHDCND Triều Tiên để các thuyền viên Mỹ đang bị bắt giam được phóng thích trở về với gia đình họ. Tuy nhiên, sau này phía Mỹ đã rút lại lời xin lỗi đó, nói rằng tàu gián điệp USS Pueblo bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ khi đang ở hải phận quốc tế.

Hồi năm 2006, CHDCND Triều Tiên tiến hành thành công vụ nổ thử hạt nhân đầu tiên, nói rằng Bình Nhưỡng sản xuất vũ khí hạt nhân là nhằm để ngăn chặn một cuộc xâm lược.

Gần đây các quan chức Mỹ đã liên tục nhắc lại điều mà họ nói rằng Washington không hề có kế hoạch nào nhằm tấn công Bình Nhưỡng vì thế mà Mỹ đã cùng CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc ngồi vào đàm phán 6 bên.

Theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị 6 bên, Bình Nhưỡng được nhận viện trợ về kinh tế từ phía 5 bên còn lại đồng thời phía Mỹ phải đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước nuôi dưỡng khủng bố.

Tiến trình thực hiện thỏa thuận này lúc đầu diễn ra thuận lợi nhưng đến nay đang bị đình trệ vì các bên đổ lỗi cho nhau không nghiêm chỉnh thực hiện những điều đã cam kết trong thỏa thuận 6 bên vừa qua. 

Đ.P
Theo Reuters, BBC

MỚI - NÓNG