Bình Nhưỡng đã thực hiện giấc mơ hạt nhân như thế nào?

Bình Nhưỡng đã thực hiện giấc mơ hạt nhân như thế nào?
TP - Đó là tựa đề bài viết của Donald Greenlees đăng trên International Herald Tribune điện tử ngày 24/10. Tác giả đã dựa vào lời kể của một cựu quan chức CHDCND Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc lưu vong và một số tư liệu khác.
Bình Nhưỡng đã thực hiện giấc mơ hạt nhân như thế nào? ảnh 1
Người Hàn Quốc xem tin tức vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Dưới đây, Tiền phong xin giới thiệu phần lược dịch bài báo nói trên.

Ngày 27/4/1994, Kim Dae Ho chạy vào Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để xin cư trú chính trị. Trước khi thực hiện hành động này, Kim Dae Ho để lại tại CHDCND Triều Tiên người vợ và hai con gái.

Sang sống lưu vong ở Hàn Quốc, Kim Dae Ho chỉ có duy nhất một thứ tài sản để khởi nghiệp mới đó là những hiểu biết của một người trong cuộc về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kim Dae Ho từng có hơn 10 năm làm công tác tuyên truyền rồi leo lên chức Phó Tổng giám đốc nhà máy tuyển quặng uranium của CHDCND Triều Tiên.

Nhờ đó, Kim có cơ hội hiếm hoi để biết được nội tình những nhà khoa học và nhà quản lý liên quan đến việc biến giấc mơ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thành hiện thực như thế nào.

Kim cho biết: Vì lý do bí mật, những người tham gia chương  trình hạt nhân này gần như không được biết về nhau. Khi khởi lập chương trình hạt nhân cũng như lúc hướng dẫn nhau về các vấn đề liên quan mọi người đều tổ chức tại nhà riêng.

Theo các chuyên gia, việc phát triển ngành hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chủ yếu dựa vào các công nghệ vay mượn của nước ngoài. Phần phát minh trong nước cũng có nhưng rất ít.

Đánh giá này phù hợp với điều mà các nhà khoa học nhận xét về tình trạng công nghệ của Bình Nhưỡng như sau: Quả bom nguyên tử đầu tiên được chế tạo đến nay đã hơn 60 năm. Do vậy việc chế tạo một quả bom nguyên tử giờ đây đối với Bình Nhưỡng vấn đề nan giải là cần phải vượt qua được những thách thức về công nghệ hơn là về hiểu biết khoa học.

CHDCND Triều Tiên bắt đầu đặt nền móng cho ngành chế tạo bom hạt nhân từ những năm cuối thập kỷ 1950 với sự tham gia của một nhóm các nhà vật lý và hóa học.

Trong số các nhà khoa học này có nhà hóa học Lee Sung Ki tốt nghiệp từ một trường đại học ở Nhật Bản. Hầu hết các chuyên gia về năng lượng nguyên tử trên thế giới đều tin rằng ông Lee Sung Ki là nhân vật đã kéo cỗ xe chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có lẽ nhà hóa học Lee Sung Ki là một trong số rất ít các nhà khoa học về hạt nhân CHDCND Triều Tiên được công bố rộng rãi. Theo ông Kim Dae Ha, CHDCND Triều Tiên  rất tự hào về Lee Sung Ki.

Trong một cuốn hồi ký của mình, Kim Dae Ho đánh giá rất cao vai trò của nhà hóa học Lee Sung Ki trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kim Dae Ho cho rằng chính nhà khoa học tài năng Lee Sung Ki đã bị phía CHDCND Triều Tiên  bắt cóc ngay từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53).

Lúc đầu Lee Sung Ki rất miễn cưỡng tham gia vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng cuối cùng ông đã bị Chủ tịch Kim Nhật Thành thuyết phục. Khi đó nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên  đã nói với Lee Sung Ki rằng phát triển hạt nhân là một dự án sống còn đối với việc thống nhất đất nước.

Nhà khoa học Lee Sung Ki nổi tiếng từ năm 1939 do ông là người đầu tiên chế tạo ra một loại sơn tổng hợp giống như nylon gọi là vinalon khi Triều Tiên còn bị đặt dưới sự đô hộ của Nhật Bản. Sau này, ông đã 2 lần được tặng “Giải thưởng Kim Nhật Thành”- Giải thưởng danh dự cao nhất của CHDCND Triều Tiên.

Năm 1965, Lee Sung Ki được bổ nhiệm chức Giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử CHDCND Triều Tiên. Sau đó ông được đề bạt chức Giám đốc Phân viện Hamhung của Viện hàn lâm khoa học CHDCND Triều Tiên - nơi sau này ông tập trung vào nghiên cứu, chế tạo vũ khí hóa học. Lee Sung Ki qua đời năm 1996, hưởng thọ 91 tuổi.

Hai nhà khoa học khác cũng từng tham gia sáng lập ngành hạt nhân của CHDCND Triều Tiên  là Do Sang Rok và Han In Suk.

Theo các tài liệu thu thập được từ Nga và các nước Đông Âu, sau khi chiến tranh Triều Tiên  vừa kết thúc, Bình Nhưỡng đã tìm cách sở hữu bom hạt nhân hoặc công nghệ sản xuất bom hạt nhân từ các nước bạn bè. Vì điều này mà có thể khẳng định việc nghiên cứu hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được bắt đầu bởi thế hệ thứ nhất các nhà khoa học Triều Tiên.

Theo ông Kim Tae Woo- Chuyên gia về chính sách hạt nhân làm việc tại Học viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc- tài liệu của tình báo Nga cho thấy lãnh tụ Kim Nhật Thành đã từng đề nghị Liên Xô cung cấp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho CHDCND Triều Tiên.

Phía Liên Xô từ chối nên Bình Nhưỡng buộc phải tự nghiên cứu để xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tháng 3/1956, CHDCND Triều Tiên ký với Liên Xô một hiệp định hợp tác nghiên cứu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Khi đó, CHDCND Triều Tiên là một trong số 11 nước tham gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna bên sông Volga, cách Matxcơva 120 km về phía bắc.

Cùng năm này Bình Nhưỡng bắt đầu gửi một thế hệ những nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật nhiều triển vọng sang học tập và làm việc tại  Dubna. Nhiều người trong số đó hiện đang giữ những vị trí chủ chốt trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo ông Aleksei Sissakian - Giám đốc viện Dubna, mỗi năm CHDCND Triều Tiên gửi sang đây từ 5-8 người. Cho đến nay có khoảng 100 nhà khoa học và kỹ thuật viên đã làm việc tại Dubna. Một trong số nhà khoa học đó là nhà vật lý hạt nhân Choi Hak Geun-Người năm 1986 được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Năng lượng Nguyên tử CHDCND Triều Tiên.

MỚI - NÓNG