Bình Dương ra sao sau 2 tháng ‘sống chung với dịch’, ngưng công bố ca mắc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kể từ tháng 3/2022, căn cứ vào tình hình thực tế, Bình Dương “linh hoạt, sống chung an toàn với dịch COVID-19”. Cũng từ thời gian này, Bình Dương ngưng công bố ca mắc mỗi ngày, tuy nhiên số liệu vẫn được thống kê để đánh giá, đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp. Sau khoảng 2 tháng “sống chung với dịch”, số ca mắc COVID-19 giảm sâu, đặc biệt gần 1 tháng trở lại đây không ghi nhận ca tử vong.

Ngày 3/5, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong khoảng thời gian 2 tháng qua (từ khi linh hoạt sống chung an toàn với dịch) tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo chiều hướng ổn định. Cụ thể, thời điểm đầu, mỗi ngày Bình Dương ghi nhận trung bình 150 ca/ngày.

Tuy nhiên, càng về sau lại giảm và hiện chỉ từ 10 - 25 ca/ngày. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện ca bệnh được phát hiện chủ yếu khi người dân tự xét nghiệm test nhanh và khai báo với trạm y tế. Điều đáng nói, số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện rất ít, chỉ đi khám khi kèm một bệnh lý khác.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh này vẫn duy trì tốt và có những bước đi đúng hướng. Theo ông Chương, hiện nay số ca mắc không còn quan trọng, chủ yếu kiểm soát được số ca nhập viện và tử vong.

Bình Dương ra sao sau 2 tháng ‘sống chung với dịch’, ngưng công bố ca mắc ảnh 1

Ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu, người dân Bình Dương trở lại cuộc sống bình yên

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương thông tin thêm, địa phương xây dựng kịch bản đánh giá nguy cơ cụ thể của từng xã, phường, thị trấn, thậm chí xây dựng kịch bản tới từng khu phố, tổ dân phố, khu ấp với phương châm “Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 91 xã, phường, thị trấn “bình thường mới”. Tính từ thời gian thích ứng “sống chung an toàn với dịch” đến nay, tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong giảm bền vững. Gần 1 tháng trở lại đây, Bình Dương không ghi nhận ca tử vong.

Theo ông Chương, sở dĩ ca mắc và tử vong giảm trong bối cảnh “sống chung với dịch” vì người dân ngày càng nâng cao ý thức phòng, chống dịch; hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Qua phân tích các trường hợp tử vong cho thấy, chủ yếu ở nhóm nguy cơ như người có bệnh lý nền, người trên 50 tuổi và chưa tiêm vắc xin.

Hiện nay, ngành y tế Bình Dương phối hợp các địa phương chủ động nâng cao chất lượng điều trị COVID-19 ở các tầng kết hợp với chăm sóc F0 tại nhà, bảo đảm sẵn sàng đủ thuốc, oxy, vật tư chống dịch, vật tư xét nghiệm ở các tuyến.

Bên cạnh đó, trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19, ngành chức năng Bình Dương thực hiện quản lý chặt nhóm nguy cơ cao, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ nhằm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng nặng.

Xác định vắc xin là “lá chắn” hiệu quả phù hợp trong điều kiện hiện nay, Bình Dương đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Bình Dương là một trong số các địa phương triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng và đạt được kết quả theo kỳ vọng.

Ghi nhận của PV Tiền Phong, cho thấy hiện nay đời sống, sinh hoạt của người dân tại tỉnh Bình Dương diễn ra bình thường. Người dân không còn cảm giác lo lắng, sợ hãi bị lây nhiễm, cuộc sống bình yên trở lại như “không còn dịch bệnh”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.