Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp đạt 100% công dân trong độ tuổi theo quy định; đảm bảo 100% cập nhật dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".
Tổng số tài khoản định danh điện tử phải kích hoạt thành công đạt 1.005.735 tài khoản, trong đó tài khoản mức 2 là 138.986 tài khoản; tổng số tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) là 330.000 tài khoản.
Trong thời gian triển khai kế hoạch đảm bảo 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào CDVCQG; 100% các phường, thị trấn và 80% các xã được bố trí địa điểm hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm 100% các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở cho thuê lưu trú khác… phải thực hiện thông báo lưu trú qua một trong 3 tiện ích (dịch vụ công trực tuyến, phần mềm thông báo lưu trú ASM, ứng dụng VNeID trên thiết bị di động).
Người dân Bình Dương chỉ cần ở nhà cũng giải quyết được các thủ tục hành chính |
Đồng thời bảo đảm 100% các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT; 100% các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện thông báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến hoặc qua phần mềm thông báo lưu trú ASM do Bộ Công an, Cục C06 phát triển. Đẩy mạnh triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó 100% dịch vụ công do Bộ Công an chủ trì (11/25 dịch vụ công) sẽ tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến (không tiếp nhận trực tiếp), 14/25 dịch vụ công do các Bộ, ngành chủ trì có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 50%.
Bên cạnh đó, khắc phục toàn bộ các lỗ hổng bảo mật, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu.
Rà soát, lập danh sách, xác thực danh sách công dân thuộc đối tượng chính sách để cập nhật, đồng bộ 100% các đối tượng chính sách lên hệ thống CSDLQGVDC, hệ thống định danh và xác thực điện tử; ứng dụng VNeID để phối hợp với các tổ chức tín dụng cấp tài khoản thanh toán, thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Đảm bảo 100% giáo viên trên địa bàn mở tài khoản chữ ký số trên ứng dụng VNeID để giao dịch trên môi trường điện tử.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai; Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn các ngành, đơn vị, địa phương áp dụng, triển khai các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo thuận lợi cho người dân và đáp ứng yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin.