Bình Dương: Phối hợp thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác với Sở TTTT Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số.

Hỗ trợ nhau chuyển đổi số

Theo nội dung ký kết, trên cơ sở phát huy tiềm năng, đặc thù của từng địa phương và trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Sở TTTT tỉnh Bình Dương và Sở TTTT tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận hành, chế độ thu hút, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác vận hành Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dữ liệu dự phòng; hoạt động của 1022 và cấp cứu ngoại viện 115; Nền tảng MOOCs đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh; xây dựng các chỉ số điều hành và thống kê; công tác thu thập và duy trì kết nối dữ liệu; tổ chức nhân sự xử lý và đảm bảo chất lượng dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.

Sở TTTT hai tỉnh cũng sẽ phối hợp trao đổi, chia sẻ các tính năng kỹ thuật, ưu điểm của các ứng dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền; phối hợp diễn tập trong công tác đảm bảo an toàn thông tin trên mạng, chia sẻ các ứng dụng, phần mềm giúp quản lý tốt tình hình kinh tế - xã hội các vùng lân cận của 02 địa phương.

Bình Dương: Phối hợp thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số ảnh 1

Lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Bình Dương và Sở TTTT tỉnh Tây Ninh ký kết hợp tác

Đồng thời thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động xây dựng, vận hành Cổng Thông tin điện tử; hoạt động phối hợp của Ban Biên tập; đầu tư, vận hành, khai thác hiệu quả Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và các phương tiện khác cho hoạt động thông tin cơ sở. Khai thác các nền tảng mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách và định hướng dư luận xã hội… Thúc đẩy chuyển đổi số trên một số lĩnh vực mũi nhọn của hoạt động chính quyền, kinh tế số, xã hội số.

Hai bên cũng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng; thanh toán không dùng tiền mặt; các thế mạnh của huyện Dầu Tiếng với huyện giáp ranh của Tây Ninh và các mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã…

Ông Nguyễn Hữu Yên - Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thông qua nhiều hoạt động. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh năm 2022 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021.

Bình Dương: Phối hợp thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số ảnh 2

Lãnh đạo Sở TTTT Bình Dương và Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung ký kết hợp tác

Đối với chính quyền số, đến nay 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) thông qua phần mềm quản lý văn bản của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh cung cấp được 1.3521/1.886 TTHC trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%. Eform đã triển khai 100% dịch vụ công phát sinh hồ sơ.

Tỉnh đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp 801 chứng thư số cho tổ chức; 4.193 chữ ký số cho cá nhân các cơ quan hành chính Nhà nước, 22 chữ ký số cho dịch vụ công; 440 SIM PKI ký số và 16.103 chữ ký số tập trung HSM (cho ngành Giáo dục và ngành Y tế).

Hoạt động kinh tế số được triển khai theo kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với lộ trình thực hiện để kết nối, quảng bá, giới thiệu thêm sản phẩm, các kênh phân phối mới. Toàn tỉnh có khoảng 65.000 (97% doanh nghiệp nhỏ và vừa), trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 13.002 doanh nghiệp (có 55.722 lao động) cung cấp, kinh doanh điện tử, CNTT và công nghệ số đang hoạt động.

Về công dân số, khoảng 1,2 triệu dân toàn tỉnh đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2, phối hợp số hóa, so khớp 931.00 trường dữ liệu hộ tịch cùng với thực hiện Đề án 06; 70% đối tượng an sinh xã hội (30.674 đối tượng) được chi trả chế độ chính sách qua tài khoản. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 82%; 89% người dân tiếp cận, có kỹ năng về CNTT và truyền thông. Tổ Công nghệ số cộng đồng với 3.300 thành viên (dự kiến sẽ tăng lên 4.500 thành viên với định biên 01 thành viên hỗ trợ 220 hộ gia đình) đã được triển khai.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở TTTT Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp ICT tại Bình Dương chủ yếu sản xuất thành phẩm, hoạt động sản xuất điện tử bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn còn hạn chế. Bình Dương mong muốn hợp tác với các đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phần mềm để tìm ra giải pháp đo lường được kinh tế số, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ tỉnh xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tạo nền tảng để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT của tỉnh.

Sở TTTT Bình Dương đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung. Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, vận hành khu CNTT tập trung. Hỗ trợ cung cấp tài liệu hướng dẫn triển khai, quản trị và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động cho các khu CNTT tập trung. Thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ khác, tạo tiền đề cho việc hình thành phát triển khu CNTT tập trung.

Hai bên cũng chia sẻ, trao đổi các giải pháp về dữ liệu số và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ tư vấn các giải pháp về hạ tầng cho Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây, công tác tổ chức, quản lý, điều hành, khai thác vận hành Trung tâm dữ liệu, thuê dịch vụ điện toán đám mây; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chuyên gia tư vấn kỹ thuật đề xuất các giải pháp, chính sách đảm bảo điều kiện vận hành các Hệ thống thông tin đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc hoạch định và triển khai chiến lược chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, công ty sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ cao tạo môi trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển phần mềm phục vụ trong nước và quốc tế. Đồng thời phối hợp với tỉnh phát triển hạ tầng số phục vụ Chính quyền điện tử, Chính quyền số, xây dựng khu CNTT tập trung. Với 22 năm hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, Công ty mong muốn đóng góp một phần kinh nghiệm, năng lực của mình trong công tác chuyển đổi số tại địa phương.

MỚI - NÓNG
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
TPO - VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều 4/10, lao dốc về vùng 1.270 điểm. Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sau khi để hụt mốc đỉnh cũ 1.300 điểm, chỉ số chính đã bước sang phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản cũng ảm đạm, số tài khoản chứng khoán mở mới đột ngột giảm sâu.