Bình Dương: Kinh tế phát triển bậc nhất nhưng y tế đang lạc hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với 41 cụm, khu công nghiệp, Bình Dương là địa phương phát triển kinh tế thuộc top đầu cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài chỉ sau TP.HCM. Thế nhưng, lĩnh vực y tế, giáo dục ở địa phương này lại đang lạc hậu chưa xứng tầm.

Tại buổi họp báo sáng ngày 1/4, UBND tỉnh Bình Dương thông tin về tình hình kinh tế quý 1/2022. Theo đó, các chỉ số kinh tế trong 3 tháng đầu năm, Bình Dương luôn ở mức tăng trưởng.

Trước đó, trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nhưng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt hơn 408.800 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người năm 2021 Bình Dương đạt 152,2 triệu đồng. Về công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là các ngành chủ đạo, chiếm 89,23% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp chiếm 3,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,67%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Bình Dương tăng 4,5% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là ngành đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tăng 6,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt 32,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,1%. Xuất siêu 7 tỷ đô la Mỹ (tăng hơn 1 tỷ đô la Mỹ so với năm 2020).

Bình Dương: Kinh tế phát triển bậc nhất nhưng y tế đang lạc hậu ảnh 1

TS Nguyễn Hồng Chương cho biết, Bình Dương đang thiếu nhân lực y tế

Trong năm 2021, Bình Dương có 53.990 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ 3 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) với tổng số vốn đăng ký đạt 530.240 tỷ đồng. Bình Dương đứng thứ 2 cả nước sau TP.HCM với 4.026 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 37,74 tỷ đô la Mỹ.

Bình Dương là địa phương phát triển kinh tế thuộc top đầu cả nước, nơi có hơn 2,6 triệu người, trong đó người ở độ tuổi lao động chiếm một nửa. Dù vậy, ở lĩnh vực y tế, giáo dục chưa phát triển với nhu cầu và kỳ vọng. Đến nay, Bình Dương dù có một số trường đại học, cao đẳng (chủ yếu ngoài công lập) nhưng đào tạo dàn trải, không chuyên sâu lĩnh vực.

Tại buổi họp báo sáng nay, TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao nhưng khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở cả 3 tuyến còn nhiều hạn chế. Nhân lực ngành y tế vừa thiếu về số lượng, yếu về trình độ học hàm, học vị.

"Để y, bác sĩ, nhân viên y tế toàn tâm, toàn lực cống hiến, gắn bó với nghề, Bình Dương có các chế độ khác ngoài chính sách chung. Để đảm bảo số lượng, chất lượng, ngành y tế đang liên kết đào tạo, thực hiện chế độ, chính sách thu hút nhân tài", TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương

Theo TS Chương, địa phương còn thiếu 600 bác sĩ (tính cả hệ công lập và ngoài công lập) và hàng năm cần thêm 100 bác sĩ để phục vụ cho tăng dân số cơ học. Đến nay, Bình Dương mới thực hiện một công trình y tế xứng tầm, sắp đưa vào hoạt động là Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường. Ngoài ra, Bình Dương đang nghiên cứu hình thức đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến cuối (2.000 giường). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhân sự đáp ứng đủ số lượng, chất lượng đang khiến ngành y tế tỉnh này “đau đầu”. Được biết, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ tháng 3/2022.

Tại buổi họp báo ngày 1/4, Bình Dương cũng thông tin về sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị, thành lập các phường, thành phố trực thuộc. Theo đó, Bình Dương đang nâng cấp 2 xã An Điền và An Tây TX.Bến Cát thành phường An Điền, phường An Tây và nâng cấp TX.Bến Cát thành thành phố Bến Cát. Nâng cấp TX.Tân Uyên thành thành phố Tân Uyên; xã An Sơn, TP.Thuận An thành phường An Sơn; Nâng cấp xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng thành thị trấn Thanh Tuyền thuộc huyện Dầu Tiếng.

MỚI - NÓNG