Bàu Bàng đang được tỉnh Bình Dương thúc đẩy phát triển công nghiệp, công nghệ cao
Từ thủ phủ công nghiệp đến đô thị thông minh
Ở khu vực phía Nam, Bình Dương chỉ mới đẩy mạnh phát triển công nghiệp vài chục năm gần đây nhưng đã mang lại sự thay đổi nhanh chóng và khá toàn diện cho vùng đất thuần nông. Năm 2020, hai thị xã Thuận An và Dĩ An đã chuyển thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, bên cạnh thành phố Thủ Dầu Một. Như vậy, Bình Dương là tỉnh đầu tiên ở khu vực phía Nam có đến ba thành phố trực thuộc và đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh với 4 thành phố trực thuộc.
Theo các chuyên gia, hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ là mô hình phát triển mang đậm dấu ấn của tỉnh Bình Dương. Mô hình này đã nâng tầm Bình Dương thành một địa phương điển hình trong phát triển kinh tế – xã hội. Tính lũy kế đến cuối năm 2020, Lũy kế đến nay, Bình Dương đã cấp phép cho 3.855 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 34,9 tỷ đô la Mỹ, vươn lên đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI chỉ sau TPHCM và Hà Nội. Đến nay, Bình Dương đang có 48 khu – cụm công nghiệp hoạt động và được xem là thủ phủ công nghiệp của phía Nam.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của Bình Dương đạt 150,1 triệu đồng, so với bình quân cả nước chỉ 3.521 USD. Cơ cấu kinh tế của Bình Dương cũng theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 66,94% - 21,98% - 3,15%...Đây là những con số vô cùng ấn tượng, giúp Bình Dương trở thành một trong ba chân kiềng vững chắc của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cùng với TPHCM và Đồng Nai).
Quang cảnh hơn 2.000 khách hàng tranh mua đất nền một dự án tại Bàu Bàng vào cuối năm 2020
So với các tỉnh, thành khác, Bình Dương phát triển các khu công nghiệp khá đồng đều trên toàn địa bàn, kéo theo việc hình thành các đô thị mới hiện đại và các cơ sở thương mại dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, với việc các đô thị giáp ranh TPHCM như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An ngày càng trở nên đông đúc, hạ tầng quá tải và không còn quỹ đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, Bình Dương đang đề ra chủ trương phát triển công nghiệp về phía Bắc. Trọng tâm là khu vực Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên với sự tham gia đầu tư của các “ông lớn” như VSIP, Vingroup, Becamex…
Một dấu son khác của Bình Dương là đi đầu phát triển thành phố thông minh nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh đột phá, đón đầu nền kinh tế tri thức và giúp doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi từ các công nghệ mới. Khởi động vào năm 2016, đến nay Bình Dương đã hai lần liên tiếp được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Đón làn sóng ở vùng đất mới
Từ chủ trương phát triển công nghiệp, công nghệ cao và thành phố thông minh, Bình Dương hiện nay đã thay da đổi thịt, được các tập đoàn quốc tế đánh giá tiềm năng rất lớn. Trong đó, lĩnh vực hưởng lợi lớn là bất động sản với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Ba năm gần đây thị trường bất động sản Bình Dương ghi nhận sự tăng trưởng đột biến. Cả nguồn cung, tính thanh khoản và mặt bằng giá đều tăng nhanh, nhiều khu vực giáp ranh đã tiệm cận với TPHCM. Nền kinh tế, các hoạt động giao thương, sản xuất và dân cư tại Bình Dương hiện nay rất nhộn nhịp đã kích thích nhu cầu nhà ở và đầu tư bất động sản. Trong khi đó, quỹ đất không còn nhiều nên giá liên tục thiết lập đỉnh mới là điều dễ hiểu.
Theo thống kê của Công ty DKRA Việt Nam, năm 2020 Bình Dương đón nguồn cung lên đến 5.627 sản phẩm đất nền và hơn 10.500 căn hộ nhưng thị trường vẫn hấp thụ tốt. Quan sát cũng cho thấy các buổi mở bán của các dự án tại Bình Dương luôn chen kín khách hàng, ghi nhận giao dịch thành công rất cao. Mặt bằng giá căn hộ tại đây đã lên mức 30-40 triệu đồng/m2, phân khúc đất nền không còn dự án bán dưới 1 tỉ đồng/sản phẩm.
Phối cảnh khu phức hợp thương mại – dịch vụ nằm trong một khu đô thị mới tại Bàu Bàng
Chính vì thế, gần đây nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển lên đầu tư các dự án khu vực phía Bắc như Bến Cát, Bàu Bàng… bởi nơi đây giá đất còn khá rẻ. Các nhà đầu tư kỳ vọng chủ trương phát triển công nghiệp về phía Bắc sẽ giúp khu vực này chuyển mình như Thuận An và Dĩ An. Chẳng hạn, nhờ có khu đô thị - công nghiệp Bàu Bàng, khu vực này gần đây phát triển rất mạnh về đô thị, thương mại, dịch vụ và giúp người dân gia tăng cơ hội sản xuất, kinh doanh. Theo UBND huyện Bàu Bàng, các khu công nghiệp đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân 21,31%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 25,33%...
Hiện nay, Bàu Bàng đang được tập trung đầu tư khá nhiều công trình hạ tầng như mở rộng quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, đường tạo lực Bàu Bàng – Phú Giáo – Bắc Tân Uyên, cảng cạn ICD Bàu Bàng… Cùng với đó là sự chuyển mình, thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng với sự ra đời của các khu đô thị mới đón đầu nhu cầu của hàng chục ngàn lao động đổ về làm việc trong các KCN như Bàu Bàng (hơn 2.000 ha), khu khoa học công nghệ cao Bàu Bàng (900 ha), Lai Hưng (600 ha), Cây Trường (900 ha), Tân Bình mở rộng giai đoạn 2 (1.055ha)… Như vậy, các nhà đầu tư bất động sản nhanh nhạy khó có thể bỏ qua cơ hội tốt này.